Bệnh viện thiếu... bác sĩ

Đó là một thực tế ở Bệnh viện Khu vực Phú Phong, nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Theo quy định áp dụng với bệnh viện khu vực, mỗi bệnh viện tối thiểu phải có 61 bác sĩ. Nhưng đã 10 năm nay, Bệnh viện Khu vực Phú Phong luôn trong tình trạng thiếu... bác sĩ. Hiện tại, số lượng bác sĩ của bệnh viện này cũng chỉ có 34 bác sĩ.


Giám đốc Bệnh viện Khu vực Phú Phong, bác sĩ chuyên khoa cấp I Dương Văn Hóa cho biết, bệnh viện được đầu tư xây dựng vào tháng 6/2007, trên tổng diện tích lúc đầu 2,5 ha, đến nay đã được mở rộng lên 3,5 ha và được bố trí với tổng cộng trên 20 khoa phòng chức năng. Hàng năm, bệnh viện khám và điều trị cho khoảng trên 150.000 lượt bệnh nhân đến từ các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và một số xã lân cận thuộc thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát.


Bác sĩ Dương Văn Hóa cho biết, lãnh đạo bệnh viện và chính quyền địa phương, cũng như qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên quan tâm bố trí đủ số lượng bác sĩ theo biên chế để đảm bảo cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu này cho đến nay vẫn còn "để ngỏ".


Tại Khoa Tim mạch lão hóa, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng khoa cho hay, qui mô của khoa theo thiết kế với tổng số 41 giường bệnh, nhưng hiện nay phải bố trí thêm ngoài hành lang và một số phòng khác lên 75 giường bệnh mới tạm thời đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân.


Điều khó khăn hơn cả là theo qui định, khoa này ít nhất có từ 5 - 6 bác sĩ, nhưng hiện tại chỉ có 2 bác sĩ, kể cả trưởng khoa, nên công tác khám và theo dõi điều trị cho bệnh nhân rất khó khăn, áp lực lớn. Chưa kể vì quá thiếu bác sĩ nên trưởng khoa còn kiêm phụ trách thêm phòng nội soi và một tuần phải tham gia khám theo chương trình cao huyết áp của bệnh viện.


Tương tự, Khoa Truyền nhiễm hiện có 70 bệnh nhân đang điều trị và quá tải so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, tại khoa này, số bác sĩ lại quá ít, chỉ có duy nhất một bác sĩ phó trưởng khoa đảm nhiệm từ khâu quản lý cho đến công tác điều trị chính.


Bác sĩ Dương Văn Hóa cho biết thêm, để đảm bảo nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng tăng của người dân trong khu vực, lãnh đạo bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ kinh phí cho 5 sinh viên y khoa học tập, có chế độ khuyến khích bác sĩ trực làm thêm giờ; đối với các bác sĩ mới ra trường về nhận công tác tại bệnh viện thì được hỗ trợ một lần 20 triệu đồng (tốt nghiệp loại giỏi); 15 triệu đồng đối với kết quả khá, hỗ trợ thêm tiền thuê nhà mỗi tháng 500.000 đồng/bác sĩ...


Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, địa phương rất quan tâm và theo dõi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bệnh viện Khu vực Phú Phong. Tuy nhiên, do kinh tế huyện còn gặp khó khăn và biên chế về bác sĩ và cán bộ nhân viên của bệnh viện thuộc chỉ tiêu giao từ các ngành chức năng tỉnh, nên lãnh đạo huyện không giúp được nhiều, chỉ kiến nghị các ngành chức năng cấp trên quan tâm tạo điều kiện bố trí đủ số lượng bác sĩ theo qui định, cũng như tăng cường hỗ trợ kinh phí để sửa chữa và nâng cấp bệnh viện nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày một tốt hơn.


Về phía ngành chức năng, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc sở Y tế tỉnh cho hay, nhìn chung mặt bằng bác sĩ ở một số bệnh viện khu vực còn rất thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Để từng bước khắc phục, trước mắt từ nay đến năm 2017, Sở Y tế tỉnh sẽ tăng cường cho Bệnh viện Khu vực Phú Phong thêm 4 bác sĩ.


Viết Ý (TTXVN)
Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình
Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình

Tiền Giang vừa ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải cho các bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN