Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3:

Báo động tình trạng lao siêu kháng thuốc

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống bệnh lao. Tuy nhiên, nước ta vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao trong khi hoạt động phòng chống lao còn gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị cao, gia tăng tình trạng lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.

Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được cũng như khó khăn và các giải pháp trọng tâm trong hoạt động phòng chống lao thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia xung quanh vấn đề này.


Chương trình chống lao quốc gia thời gian qua, đặc biệt năm 2016 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như thế nào, thưa ông?


Công tác phòng chống lao của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp; chia sẻ các định hướng nghiên cứu quan trọng như: nghiên cứu dịch tễ bệnh lao lần thứ 2 sau 10 năm tiến hành vào năm 2017 với ngân sách trên 2 triệu USD.

PGS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt. Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4,6 % từ năm 2000 đến nay. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao và đến nay đã có gần 6.000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị. Chương trình phòng chống lao đã triển khai thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (9 tháng) để điều trị cho người bệnh lao đa kháng thuốc.


Đồng thời, nhiều kỹ thuật mới, đột phá được áp dụng hiệu quả như: kỹ thuật geneXpert chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicine hay không với độ nhạy rất cao, độ đặc hiệu rất cao tương đương kỹ thuật nuôi cấy (phải mất 2-4 tháng nếu nuôi cấy kháng sinh đồ theo phương pháp truyền thống). Kỹ thuật này có thao tác thực hiện đơn giản đến mức có thể thực hiện ngay tại tuyến huyện. Hiện nay đã có 112 máy gene Xpert trên cả nước.

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá cao về công tác phòng chống lao của Việt Nam, đặc biệt là việc lồng ghép các chương trình đào tạo. Các nội dung đào tạo chính được cán bộ phòng chống lao quan tâm ở các tuyến từ trung ương, tuyến huyện, tuyến cơ sở gồm: quản lý chương trình, trong đó chú trọng đến vấn đề quản lý chất lượng toàn diện, lập kế hoạch; dịch tễ học bệnh lao; quản lý bệnh lao; phối hợp y tế công tư; lao đa kháng thuốc…


Chương trình đã xây dựng được mạng lưới phòng chống bệnh lao từ trung ương đến địa phương; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm cho hơn 100.000 người bệnh, nhiều người bệnh tránh được tử vong vì lao; phát hiện và điều trị lao đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc theo công nghệ, phác đồ thuốc mới. Chương trình cũng đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ và có chất lượng cho hơn 100.000 bệnh nhân; 2.500 bệnh nhân lao đa kháng và hàng trăm bệnh nhân lao siêu kháng hàng năm. Các vật tư trang thiết bị hiện đại nhất đã được sử dụng tại Việt Nam.


Chính phủ và Bộ Y tế đã cấp ngân sách tăng lên hàng năm và trong 5 năm qua đã vận động được hỗ trợ quốc tế từ Quỹ toàn cầu với gần 60 triệu USD và thêm 20 triệu USD ngân sách khuyến khích vì thực hiện có hiệu quả nguồn viện trợ. Các đối tác khác cũng hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho Việt Nam. Tuy kinh phí còn thiếu hụt so với kế hoạch nhưng đã đảm bảo được về cơ bản. Nguồn nhân lực ngày càng phát triển từ tuyến trung ương đến địa phương, với kế hoạch đột phá về đào tạo, phối hợp viện, trường, hội chuyên ngành và có 4 chuyên gia tham gia các hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới các cấp…


Bên cạnh những thành công, Chương trình cũng gặp không ít khó khăn, ông có thể chia sẻ cho cộng đồng hiểu thêm về những khó khăn này, thưa ông?


Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác phòng chống lao vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức. Cụ thể là tình trạng bỏ trị hiện đang ở mức báo động, có xu hướng gia tăng và gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng. Tình trạng lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sỹ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân lao. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Bên cạnh đó, dịch tễ bệnh lao cao với 16.000 người chết vì lao hàng năm. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 15/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới và đứng thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc; đáng lo ngại là có gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2.


Bệnh lao tồn tại hàng nghìn năm và vi khuẩn lao đã được biết đến 134 năm. Thế nhưng, căn bệnh này vẫn chưa được khống chế do nhiều nguyên nhân. Trước hết phải kể đến người nhiễm lao mắc thêm bệnh nhiễm trùng cơ hội, điển hình là HIV. Y học coi HIV và lao như cặp bài trùng bởi vi rút HIV làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, vi khuẩn lao nhân cơ hội này bùng phát, diễn biến nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề trong chẩn đoán, điều trị. Ngoài ra, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.


Đồng thời, tổ chống lao tại tuyến huyện, thị xã, thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều nên hoạt động còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu. Chính quyền các cấp, đoàn thể và cộng đồng còn chưa quan tâm đúng về công tác chống lao.


Ngoài ra, công tác phòng chống lao chưa được xã hội hóa cao; kinh phí cho hoạt động của Chương trình chống lao còn hạn chế. Để đạt được mục tiêu đẩy tỷ lệ mắc lao xuống còn 20 trường hợp trên 100.000 dân vào năm 2030, chương trình kiểm soát lao toàn quốc cần phải có ít nhất 66 triệu USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ đồng) mỗi năm. Hiện tại, chương trình này mỗi năm tiêu tốn tới 26 triệu USD (tương đương 572 tỷ đồng), trong đó 19 triệu USD là vốn tài trợ nước ngoài. Nguồn nhân lực phòng chống lao còn thiếu hụt và không ổn định ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở…


Năm 2107, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính gì, thưa ông?


Trong năm nay, Chương trình chống lao quốc gia sẽ ra mắt quỹ “Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”; xây dựng “Đề án can thiệp tích cực giảm tác hại của bệnh lao, tiến đến thanh toán bệnh lao ở Việt Nam” để trình Chính phủ; phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng “Đề án đoàn kết toàn dân thanh toán bệnh lao”.


Đồng thời, Chương trình yêu cầu việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chiến lược phòng chống lao tại các tỉnh là bắt buộc, cần đạt 100% các tỉnh có kế hoạch chiến lược phòng chống lao giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt nhằm tăng cường vai trò của các lãnh đạo chương trình chống lao tại địa phương.


Chương trình sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hiện thường quy, phát hiện chủ động dựa vào quản lý điều trị trong chương trình chống lao, các bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc; chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm bỏ trị; duy trì và mở rộng điều trị bệnh phối hợp (như: lao/HIV, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao kháng đa thuốc, lao trẻ em, lao trong các trại giam…).


Ngoài ra, Chương trình tiếp tục tăng cường năng lực cho phòng chỉ đạo tuyến tỉnh; tăng cường hệ thống xét nghiệm, nhất là kỹ thuật xét nghiệm gene Xpert; triển khai nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và thí điểm các mô hình sáng kiến mới trong công tác phòng chống lao; đảm bảo tốt cung ứng thuốc, vật tư và trang thiết bị; vận động xây dựng Luật phòng chống Lao. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai Thông tư 04/2016/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế liên quan đến chi phí khám chữa bệnh lao; đảm bảo người nghi lao, bệnh nhân lao dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phòng chống lao và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế…


Trân trọng cám ơn PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung!

Thu Phương/TTXVN (thực hiện)
Việt Nam thúc đẩy Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu
Việt Nam thúc đẩy Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu

Ngày 24/1/2017, bên lề cuộc họp Ban Chấp hành Đại Hội đồng Y tế Thế giới mà Việt Nam là thành viên từ năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn Việt Nam đã gặp Giáo sư Mario Raviglione, Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO tại Geneva để bàn về những việc quan trọng nhất trong Chiến lược kết thúc bệnh lao tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN