Bài 1: Dạy và học nghề - thêm nhiều dấu cộng

PGS.TS Dương Đức Lân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Cùng với sự nhích lên về số lượng học viên, các trường nghề đang ngày càng chú trọng đầu tư để chất lượng dạy và học được nâng cao.

Tăng số lượng


Giáo viên hướng dẫn thực hành sửa chữa điện thoại.

Lĩnh vực dạy nghề những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thống kê của Tổng cục Dạy nghề cho thấy: Từ năm 2001 đến năm 2009, số học sinh trường nghề đã tăng gấp 3 lần. Số học viên trường nghề cũng tăng dần: Năm học 2006 - 2007, tuyển sinh nghề là 1,3 triệu học viên, đến năm 2009 - 2010 đã tăng số lượng tuyển sinh lên 1,6 triệu người. Năm học 2010- 2011, Tổng cục dự tính tuyển sinh khoảng hơn 1,7 triệu học viên. Mạng lưới các cơ sở dạy nghề đang tiếp tục mở rộng về quy mô, số lượng. Cả nước có 117 trường cao đẳng nghề, 265 trường trung cấp nghề và 850 trung tâm dạy nghề cùng hàng ngàn cơ sở dạy nghề khác trực thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cũng tham gia đào tạo nghề, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật. Theo lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, dù chất lượng lao động có thể còn nhiều vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động, nhưng việc tăng lên về số lượng như trên rất quan trọng. Đây có thể coi là một thành công của công tác đào tạo nghề những năm qua. Tuy nhiên, trong số khoảng 1,7 triệu người được đào tạo nghề hiện nay, chỉ có khoảng hơn 350.000 người đạt trình độ trung cấp và cao đẳng nghề, còn lại là trình độ sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng. Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cho rằng số lượng học viên trình độ trung cấp và cao đẳng như thế vẫn quá ít. Vì vậy, sắp tới, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề sẽ được tập trung đầu tư và đẩy nhanh về quy mô. Nâng cao chất lượng

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, khẳng định: Việc gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp là đòi hỏi tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, nhằm thực hiện bước chuyển mạnh mẽ trong dạy nghề: Từ hướng cung sang hướng cầu. Các cơ sở đào tạo đã ý thức rất rõ nếu thờ ơ với việc nâng cao chất lượng đầu ra là tự đào thải mình. Ông Đinh Văn Đáng, hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, trường coi nâng cao chất lượng là việc sống còn của cơ sở đào tạo. Tất cả mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu này. “Chúng tôi nâng cao chất lượng từ đội ngũ giáo viên. Giáo viên được đào tạo từ những chuyên ngành rất bài bản trong và ngoài nước. Những học sinh của trường đoạt giải cao trong các hội thi tay nghề ASEAN và thế giới đều được trường “giữ” lại để bồi dưỡng làm giảng viên. Bên cạnh đó, thời gian qua, Trường cũng nhận được nhiều sự ưu ái của các dự án từ các đối tác châu Âu. Trường đã và đang cùng với các doanh nghiệp du lịch phối hợp xây dựng nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn để khi ra trường, học sinh được đón nhận. Cơ sở vật chất cũng được đầu tư lớn”. Không chỉ Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, theo bà Hoàng Thu Phong, Phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ, TB & XH Hà Nội), trong số 7 trường nghề trực thuộc Sở, 2 trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Trung cấp nghề Cơ khí 1 đều là những trường thu hút các doanh nghiệp tìm đến ký hợp đồng đào tạo theo nhu cầu. Ông Dương Đức Lân cho biết, việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp thời gian qua đạt kết quả rất tốt. Đến nay, đã ký được hợp đồng với vài chục công ty. Có doanh nghiệp cần 2.000 lao động, có doanh nghiệp cần 5.000 hoặc 10.000 lao động. Gần đây nhất, Tổng cục Dạy nghề mới ký với Tổng công ty dệt may 1 hợp đồng mỗi năm nhận 60.000 lao động đã qua đào tạo. “Việc thí điểm đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp đặt các trường trước yêu cầu phải nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện giảng dạy”, ông Lân phân tích. Việc thành lập các trường cao đẳng sau khi có Luật dạy nghề cũng là bước tiến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta. Năm 2007 là năm các trường cao đẳng nghề tuyển sinh khoá đầu tiên. Ông Cao Văn Sâm cho biết, năm 2010, sẽ có khoảng 250.000 sinh viên khoá I các trường cao đẳng nghề ra trường. Đây sẽ là một nguồn lao động đáng kể có trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp. Cuối tháng 7/2010, có 400 sinh viên trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc đã ra trường. Lễ tốt nghiệp cho lứa sinh viên này đã sôi động như một ngày hội việc làm. Các công ty (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp liên doanh) đã tìm đến tận trường để săn lao động. Chỉ trong 1 ngày, 400 sinh viên mới tốt nghiệp này đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng lao động. Lương thấp nhất là 2,2 triệu đồng/tháng; cao đạt 5- 6 triệu đồng/tháng. Dự kiến, ngày 7/9 tới sẽ có 1.600 sinh viên trường cao đẳng cơ điện Hà Nội tốt nghiệp. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng vài chục trường cao đẳng nghề như thế cho học sinh ra “lò”.
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN