Áp lực đô thị đang đè nặng lên cây xanh Hà Nội

Việc Hà Nội thực hiện đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thành phố đã nhìn nhận, quy trình làm còn nóng vội, chưa tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân và đã chỉ đạo đình chỉ thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống cây xanh đô thị và việc đảm bảo an toàn trên mỗi tuyến phố Hà Nội sẽ như thế nào? Cần một cách nhìn toàn diện khi bảo tồn và phát triển cây xanh ở Hà Nội.

Áp lực đô thị hóa

Hà Nội vốn yên bình, rợp bóng mát với hệ thống cây xanh tuyệt đẹp được xem như “di sản” văn hóa vật thể và phi vật thể của đất Hà Thành. Khi thành phố phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hệ thống cây xanh phải “cõng” trên mình nhiều áp lực. Nhà cao tầng mọc san sát, nhiều nhà lấn chiếm vỉa hè, sử dụng mái che, mái vẩy đua ra đường, che bóng cây xanh. Theo quy luật quang học, cây xanh phải vươn ra tìm ánh sáng, nên chủ yếu ngả ra hướng lòng đường, gây mất cảnh quan và thiếu an toàn. Còn khi cây phát triển lên cao, lại không được chặt tỉa cành thường xuyên, cây mọc không thẳng và phát triển trái quy luật.

Đặc thù thổ nhưỡng của Hà Nội là có hệ thống nước ngầm cao, cách mặt đất chừng 1 mét. Do đó, khi rễ cây phát triển, gặp hệ thống nước mặt, rễ cây sẽ không phát triển theo chiều thẳng xuống mà lại lan tỏa thành các chùm rễ, nằm cạn trên bề mặt; chưa kể, đất trồng cây tơi xốp, nhiều nơi bị ô nhiễm, đất xen lẫn rác, lá cây, hệ thống nước thải bẩn làm cho rễ cây không chắc khỏe.

Hoạt động đạp xe vì môi trường dưới tán cây xanh đường Hoàng Diệu. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Ngoài ra, đô thị phát triển, hàng quán, nhà hàng, gara ô tô mọc san sát, thiếu chỗ dựng xe, vì vậy một số người dân đã tìm cách triệt hạ cây. Công an Hà Nội cho biết đã có trường hợp người dân thuê các đối tượng đổ nước nóng, a xít, dầu luyn hay bịt xi măng vào gốc cây để làm cho cây chết. Lực lượng công an cũng đã phải lập chuyên án để đấu tranh.

Một thực tế nữa là, thời gian qua Hà Nội phát triển mạnh hệ thống hạ tầng ngầm như: cống mương thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, đường xá… nên không tránh khỏi việc đào bới đất để thi công, dẫn tới rễ cây bị ảnh hưởng, cây khó bám chặt vào đất.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, chỉ tính từ năm 2010 – 2012 trên địa bàn Hà Nội xảy ra 126 vụ xâm hại cây xanh, trong thực tế vẫn còn rất nhiều vụ chưa được phát hiện. Công ty cũng đã tiến hành tháo dỡ tới hơn 3.000 biển quảng cáo, rao vặt trên thân cây. Còn Công an Hà Nội đã khởi tố nhiều vụ chặt trộm gỗ sưa trên địa bàn.

Thực trạng trên cho thấy, cây xanh ở Hà Nội phát triển không đồng đều, lộn xộn, chưa đúng tiêu chuẩn, nhanh mục nát, rễ cây bám không chặt vào lòng đất.

Cây đổ tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt trong mùa mưa bão năm 2012. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN


Bên cạnh đó, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, mỗi năm Hà Nội luôn có mùa mưa bão. Cứ đến mùa này, chính quyền và người dân Thủ đô lại lo lắng tình trạng: ngập nước và cây đổ. Thực tế đã xảy ra, năm nào có mưa gió lớn, hàng trăm cây xanh lại đổ xuống đường, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. Tiêu biểu gần đây là vụ cây đổ đè bẹp nhiều phương tiện và gây chết người ở phố Lò Đúc, Quán Thánh, Hàn Thuyên, Hùng Vương… Sau những vụ tai nạn này, không xác định được nguyên nhân do thiên tai hay do các nhà chức trách chưa làm tốt công tác bảo vệ cây xanh, vì vậy các nạn nhân không được bồi thường.

Điều 626 Bộ Luật Dân sự quy định: "Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng". Nhiều cơ quan báo chí cũng từng đặt câu hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại trong nhũng vụ cây đổ đè chết người.

Cần một cách nhìn đồng bộ

Trước những áp lực nêu trên, Hà Nội đã tiến hành đề án bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh. Tuy nhiên cách làm nóng vội, bất cẩn và không loại trừ có cả những toan tính riêng của một số ban, ngành, cá nhân khi thực thi việc chặt hạ và trồng mới cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua đã gây ra những bất bình không ít trong dư luận nhân dân.

Lãnh đạo Hà Nội đưa ra chủ trương thay thế cây xanh không đúng chủng loại, không chuẩn quy cách, mục nát để hướng tới 3 mục tiêu, đó là: tạo cảnh quan đường phố đẹp; an toàn giao thông đô thị và bảo vệ môi trường. Ở một số tuyến phố có hệ thống cây xanh lâu năm chủ yếu gồm các loại cây sấu, xà cừ, sao đen hiện vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp như: Lò Đúc, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Hoàng Diệu, Trần Phú, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Phan Đình Phùng...

Công viên Thống Nhất và phố Đại Cồ Việt. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Hiện trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, cây được trồng tự phát với nhiều loại cây; trong đó, có nhiều loại cây không nằm trong danh mục cây phù hợp ở Thủ đô như: cây xoan, dướng, trứng cá, bông gòn, keo lá tràm… Bên cạnh đó, do người dân trồng tự phát nên nhiều cây bố trí không đúng quy cách, khoảng cách và kích cỡ. Việc triển khai thay thế những loại cây như trên đã được Hà Nội từng triển khai trong nhiều năm qua. Nhưng đề án triển khai chặt hạ thay thế 6.700 cây lại gặp sự phản đối từ dư luận. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân khi triển khai chưa được chú trọng. Người dân đi trên một số tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Kim Mã… tiếc nuối khi liên tiếp bắt gặp hình ảnh các cây xanh bị chặt hạ. Trong số những người dân đó, ít ai biết được Hà Nội chặt cây để làm gì? Chặt với số lượng là bao nhiêu? Chặt những loại cây nào trên tuyến phố nào?

Trong chủ trương, cũng như thực tế thực hiện, Hà Nội chỉ cho chặt hạ thay thế những cây xanh không đúng chủng loại, cây loại thải, mục nát. Vậy tại sao các đơn vị của Hà Nội lại chặt cả những cây xà cừ cổ thụ, đang phát triển tốt ở đường Nguyễn Trãi? Thật ra việc những cây xà cừ còn rất đẹp, cổ thụ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi không liên quan đến “đề án chặt chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh” của thành phố. Mà đây là hàng cây nằm sát hành lang an toàn giao thông của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự kiến cuối năm 2015 đưa vào vận hành. Những hàng xà cừ khu vực này có chiều cao tầm khoảng 15 - 20 mét, trong lúc nằm cách đường sắt tầm hơn 10 mét, dẫn tới nguy hiểm cao độ cho hệ thống đường sắt khi đưa vào sử dụng. Vấn đề này vẫn chưa được nhiều người dân biết tới, thậm chí vẫn tin vào những hình ảnh cây xà cừ bị chặt là thuộc đề án thay thế 6.700 cây xanh của Hà Nội.

Cách làm không phù hợp và cả những cách thông tin không đầy đủ và rõ ràng thời gian qua đã tạo nên một tâm lý "chống đối" trong dư luận. Tuy nhiên không thể vì những lỗi lầm cụ thể này mà phủ nhận một quyết sách đúng là phải có một chiến lược và Đề án bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh ở Thủ đô, phải coi trọng và ứng xử với hệ thống cây xanh như một phần máu thịt và không thể thiếu trong những kế hoạch, chủ trương lớn để xây dựng Hà Nội thành một đô thị hiện đại, xứng tầm khu vực và thế giới.


Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Chặt cây xanh - quy hoạch và trách nhiệm
Chặt cây xanh - quy hoạch và trách nhiệm

Trong cuộc tọa đàm “Từ đề án chặt, trồng thay thế 6.700, nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra yêu cầu, làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định chặt cây Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN