An toàn hàng không phải được đặt hàng đầu

Thời gian gần đây, ngành hàng không liên tục xảy ra các sự cố như: máy bay hạ nhầm sân bay, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến gia tăng, dịch vụ hàng không đắt đỏ... khiến hình ảnh ngành hàng không bị ảnh hưởng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xung quanh vấn đề này và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công tác an toàn bay trong thời gian tới.

PV: Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hàng loạt sự cố xảy ra vừa qua trong ngành Hàng không Việt Nam là do sự phát triển quá nóng, trong khi cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lại Xuân Thanh:
Thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, tuy nhiên so với thế giới thì sự phát triển của chúng ta chưa phải là lớn. So sánh ngay trong các nước Đông Nam Á, mặc dù dân số Việt Nam đông thứ hai trong khu vực nhưng thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước khác. Cụ thế, nếu tính sự phát triển chung gồm các hãng hàng không Việt Nam và cả các hãng hàng không nước ngoài bay vào Việt Nam thì Việt Nam vẫn đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, thậm chí cả Philippines.

Chúng ta đã tạo ra được một thị trường hàng không cạnh tranh khi cho phép các hãng hàng không trong nước được mở rộng liên doanh, liên kết và cũng cho phép các hãng hàng không nước ngoài được bay vào Việt Nam . Đặc biệt để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước không có sự ưu đãi đối với bất cứ hãng hàng không nào kể cả là nhà nước hay tư nhân.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, vấn đề nguồn nhân lực hàng không thời gian qua chưa đáp ứng được cho nhu cầu phát triển của ngành. Thí dụ, chúng ta chưa có một trung tâm đào tạo phi công, vì thế phải đi thuê nước ngoài, Vietnam Airlines thuê tới 30%, VietJet Air thì thuê tới 100%... Đội ngũ kỹ thuật lành nghề cũng thiếu. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không.

Hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Trước tiên phải thấy rằng Nhà nước và các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian qua. Nhưng để đảm bảo cho các hãng hàng không kinh doanh bình đẳng, hiệu quả, Nhà nước đã định mức giá đối với đường băng cất cánh, hạ cánh, khiến tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào cảng hàng không sân bay rất thấp nên chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Cảng hàng không sân bay có trách nhiệm điều tiết đầu tư, đảm bảo hiệu quả.

Như vậy “nút cổ chai” trong phát triển của ngành Hàng không vẫn là cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là yếu tố về năng lực vùng trời, năng lực của đường cất hạ cánh tại các sân bay.

PV: Để nâng cao công tác bảo đảm an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ hàng không trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Hàng không Việt Nam cần thực hiện là gì, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Đề cập đến công tác đảm bảo an toàn hàng không, hiện nay chỉ có 7/22 sân bay của Việt Nam xây dựng rào an ninh để chống sự xâm nhập của đối tượng ngoại lai, bao gồm cả con người và động vật hoang dã. Ngoài ra, vấn đề nhân lực, ý thức tuân thủ của cán bộ, nhân viên hàng không và hành khách cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng đến vấn đề an toàn bay.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chương trình An toàn bay quốc gia; trong đó quy định cụ thể nghĩa vụ phía quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp hàng không…; đồng thời, thiết lập một loạt các cơ chế về kiểm soát, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro. Tiếp đến là đã thiết lập được toàn bộ hệ thống quản lý an toàn theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đối với tất cả các doanh nghiệp, cảng hàng không…và các đơn vị cung cấp dịch vụ không lưu. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Chương trình an toàn đường cất hạ cánh để chống các vật ngoại lai trên đường băng. Như vậy, tôi cho rằng hệ thống đảm bảo an toàn bay đã khá đầy đủ, vấn đề là cần nâng cao khả năng vận hành.

Về dịch vụ hàng không, thời gian qua đã ghi nhận sự nỗ lực trong việc xóa độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng. Ví dụ như: các dịch vụ phục vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đã có từ hai đơn vị trở lên; dịch vụ kỹ thuật tàu bay, hàng hóa, kho hàng, xăng dầu… cũng đã có nhiều đơn vị tham gia cung cấp. Nhà nước thực hiện kiểm soát giá các dịch vụ hàng không rất chặt chẽ, vì thế chất lượng dịch vụ có nhiều cải thiện, giá cả đã có giảm xuống.

Tuy nhiên, vấn đề dịch vụ hàng không ở một số sân bay địa phương vẫn còn hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng. Một trong những nguyên nhân chậm, hủy chuyến cũng là do dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không địa phương vừa thiếu và yếu. Tôi ví dụ như 2 xe thang phục vụ một máy bay và giữa các chuyến máy bay cách nhau nửa tiếng, tuy nhiên vì lý do nào đó dẫn tới chậm chuyến nên hai máy bay phải cùng chờ nhau để có xe thang phục vụ…

Đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ phi hàng không, chủ yếu nằm ở yếu tố giá. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cảng hàng không tăng cường kiểm tra vấn đề niêm yết công khai giá để người dân biết trước khi sử dụng và đưa ra khuyến cáo. Tuy nhiên, vấn đề khuyến cáo vẫn chỉ mang tính định tính chưa mang tính định lượng. Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để tính toán ấn định giá dịch vụ phi hàng không. Quốc hội vừa qua thống nhất đưa vào Luật Hàng không sửa đổi quy định về việc kiểm soát chặt chẽ một số mặt hàng dịch vụ phi hàng không mang tính thiết yếu như ăn uống, phí trông giữ ô tô..

PV: Vậy theo ông, thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai những giải pháp nào để ngành Hàng không Việt Nam khắc phục những tồn tại này ?


Ông Lại Xuân Thanh: Giải pháp tổng thể, trước tiên là về kết cấu hạ tầng, chúng ta sẽ thực hiện đề án nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Theo đó, mỗi sân bay phải đặt ra một tiêu chuẩn tối thiểu để phấn đấu đạt được theo lộ trình. Phấn đấu trong thời gian tới tất cả các sân bay đều phải có hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác và hệ thống đèn điện đêm. Ngoài ra, phấn đấu làm sao để tại các sân bay, mỗi dịch vụ có tối thiểu hai đến ba doanh nghiệp tham gia cung ứng.

​Bên cạnh đó, cần phải sớm xây dựng sân bay Long Thành nhằm giảm hiện tượng tắc nghẽn cho sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Đồng thời chúng ta sẽ phải tổ chức lại vùng trời, thiết lập hàng lang bay Bắc – Nam . Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc Phòng đã thỏa thuận và đi đến thống nhất: trong thời bình ưu tiên cho hoạt động hàng không dân dụng. Mặt khác, cải tổ lại hệ thống đường bay, tối ưu hóa phương thức bay, thực hiện chương trình chuyển đổi từ hình thức dẫn đường bằng các trạm ra đa sang dẫn đường bằng vệ tinh.

​Cùng với việc trong thời gian tới phấn đấu sẽ có trung tâm đào tạo phi công, kiểm soát viên không lưu và thợ kỹ thuật, đây là ba lực lượng chính mà chúng ta vẫn yếu và thiếu, Đề án đổi mới toàn diện nâng cao nâng cao quản lý nhà nước về hàng không dân dụng đang được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng. Đây là yếu tố quan trọng bởi đối với ngành hàng không, quản lý nhà nước luôn luôn hiện hữu trong sản phẩm hàng không. Ví dụ như Mỹ đánh giá xem Vietnam Airlines có bay được vào thị trường Mỹ hay không thì cơ quan chức năng của Mỹ sẽ đánh giá Cục Hàng không Việt Nam có triển khai đầy đủ các quy trình không nếu đạt tiêu chuẩn thì sẽ chấp thuận.

Bản thân các doanh nghiệp hàng không phải cổ phần hóa là giải pháp thu hút các nhà đầu tư trang bị đội tàu bay và trang thiết bị. Các hãng cũng phải sở hữu tàu bay để giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh. Nói tóm lại, ngành Hàng không cần phải xác định yếu tố an toàn là trọng yếu nhất để phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!


Quang Toàn (thực hiện)
Các hãng hàng không có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh
Các hãng hàng không có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh

Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp đánh giá về thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng hủy, chậm chuyến...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN