2 năm không thể giải phóng... 200m đường

Các hộ dân ở Tổ 51 (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc: Dự án cải tạo và mở rộng đường Trung Kính, đoạn qua địa bàn phường Yên Hòa, được thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết quý II-2012, tuyến đường này vẫn dang dở; mặt đường mấp mô, trồi sụt, không có hệ thống thoát nước nên hễ mưa là ngập, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Theo Quyết định số 6290/QĐ-UBND ngày 2-12-2009, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án "Đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 giai đoạn I, còn gọi là đường Trung Kính, đoạn từ cuối tuyến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài đến đầu phố Trung Kính".

Dây điện buông võng, mặt đường trồi sụt trên đường Trung Kính


Tuyến đường có chiều dài 1.150m và rộng 40m, gồm 2 làn đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, chiếu sáng đồng bộ. Tổng mức đầu tư của dự án (khái toán) là hơn 300 tỷ đồng.

Đến ngày 15-3-2010, UBND thành phố Hà Nội ra Quyết định số 1174/QĐ-UBND thu hồi 45.694m2 đất tại hai phường Yên Hòa và Trung Hòa, giao UBND quận Cầu Giấy để thực hiện dự án này.

Ngày 9-12-2010, tuyến đường chính thức được khởi công xây dựng. Người dân khu vực khấp khởi mừng vì chẳng bao lâu nữa việc đi lại sẽ rất thuận tiện, không còn phải lo úng ngập...

Hiện nay, tuy diện mạo tuyến đường mới đã thành hình, nhưng vẫn còn 200m trên tuyến đường vẫn chưa thể tiếp tục thi công, do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường dang dở, chưa thi công chạy từ trước cổng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) qua cổng Trường Đại học Phương Đông, Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội đến cổng vào KTT Bộ Công an.

Tại đây, đường cũ (một làn) đã xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu" và có nhiều hố sâu; trời mưa, nhiều chỗ mặt đường trở thành những vùng bùn nước, gây không ít nguy hiểm cho người đi đường. Bên tuyến đường này là một dãy nhà lụp xụp chưa GPMB được.

Các hộ dân vẫn sinh sống và hoạt động kinh doanh bình thường. Đoạn đường chưa được GPMB này đã tạo thành "nút cổ chai", hằng ngày vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối chiều thường xảy ra tắc nghẽn giao thông.

Hai năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đều có kiến nghị với các cấp, ngành, mong muốn sớm đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án, chống ùn tắc cho khu vực, nhưng tới nay vẫn không có chuyển biến.

Theo hanoimoi.com.vn
Công trình chậm tiến độ chủ yếu do khâu giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng chậm là nguyên nhân cơ bản khiến các công trình xây dựng trên cả nước chậm tiến độ. Vấn đề này tiếp tục được tái khẳng định tại Hội thảo “Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp”, do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN