Gelso, một khách sạn 3 sao ở miền Bắc Italy đang trở thành tâm điểm chú ý liên quan đến một cuộc tranh cãi từ nhiều tháng nay về người nhập cư.
Gelso, một khách sạn 3 sao chỉ cách Rimini, thành phố nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc Italy, vài cây số, đang trở thành tâm điểm chú ý liên quan đến một cuộc tranh cãi từ nhiều tháng nay đã chia cắt nước Italy: những người chủ khách sạn được nhà nước trả tiền để cung cấp phòng nghỉ cho người nhập cư, còn đảng Liên đoàn Phương Bắc có xu hướng bài nhập cư và chống EU phản đối họ và tìm cách lôi kéo các cử tri của mình vào một cuộc chiến chống chính sách về người nhập cư của chính phủ.Điều gì đã xảy ra? Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, Giancarlo Pari, chủ khách sạn Gelso, đã chấp nhận đón ba nhóm người nhập cư bằng đường biển Địa Trung Hải được chính quyền vùng đưa đến ở tạm trong khách sạn của ông một thời gian. "Tôi nhận được từ Bộ nội vụ Italy 32,50 euro một ngày cho mỗi người", ông nói trên tờ La Stampa, "họ thường ở đây từ hai tuần đến ba tuần.
Có những thời điểm có tổng cộng 41 người nhập cư trong khách sạn. Họ cư xử tốt, giúp tôi một số việc dọn dẹp. Nhưng đến đầu hè, khi mùa du lịch đến, họ phải rời đi để tôi còn đón du khách đi tắm biển ở Rimini". Vào mùa hè, khách sạn trở lại hoạt động bình thường, với giá phòng dao động từ 55 đến 65 euro/người/đêm. Không có số khách trên trong những tháng ít khách du lịch ấy, khách sạn luôn trống và ông Pari luôn thất thu.
Người nhập cư tới Manduria thuộc vùng lãnh thổ Puglia phía Nam Italy. Ảnh: AFP |
Pari chỉ là một trong số vài chục chủ khách sạn hoặc nhà nghỉ trên toàn quốc Italy được Bộ nội vụ Italy đề nghị tiếp nhận người nhập cư trong một thời gian ngắn, trước khi những người này được chuyển đi nơi khác trên nước Ý hoặc tị nạn ở nước khác. Họ chấp nhận việc cho người nhập cư ở với giá thấp để có thu nhập trong những mùa thấp điểm trong năm, đồng thời coi đấy là một hành động nhân đạo đối với những người đã phải rời bỏ quê hương Châu Phi bất ổn và chiến tranh để đến Châu Âu nhằm kiếm tìm những cơ hội sống tốt hơn.
Nhưng những người có tư tưởng bài nhập cư thì không đồng ý với điều này. Gianluca Pini, một chính trị gia thuộc đảng Liên đoàn Phương Bắc ở Rimini đã chỉ trích công khai ông Pari trên Facebook cá nhân: "Ông ta đã kiếm được 45 nghìn euro để giúp cho một nhóm những người nhập cư trái phép được sung sướng. Tôi muốn nhắc cho ông ta rằng, đấy là tiền của dân đóng thuế, không phải tiền của ông ta". Câu trả lời của Pari: "Họ đối xử với tôi cứ như là tôi đã ăn cắp. Nhưng kẻ ăn cắp không phải là những ai lao động, mà là những người kiếm 16 nghìn euro mỗi tháng như ông Pini".
Những câu chuyện tương tự cũng đã được ghi nhận ở một số địa phương khác. Các khách sạn trở thành nơi tiếp nhận tạm thời của người nhập cư, còn những người phản đối cho rằng chính phủ đang dùng tiền thuế của dân trong thời buổi khủng hoảng để chi cho những kẻ không mời mà đến. Trên thực tế, cuộc tranh cãi này là một phần của những mâu thuẫn lớn trong lòng xã hội Italy kể từ khi dòng người nhập cư bằng đường biển từ Bắc Phi vào Italy ngày một lớn. Năm ngoái, hơn 100 nghìn người Bắc Phi lênh đênh trên biển Địa Trung Hải đã được các lực lượng cứu hộ và hải quân Italy cứu, đưa lên bờ và cho và các trại tiếp nhận. 7 tháng đầu năm nay, con số đã là 82 nghìn, đồng nghĩa với khả năng năm 2015, số người đến Italy qua con đường này để xin tị nạn ở Italy hoặc ở các nước khác trong khối EU có thể lên tới hơn 150 nghìn, một con số lớn chưa từng có. Vấn đề về người nhập cư và an ninh, do đó, đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho đảng Liên minh Phương Bắc và các nhóm cực hữu như Casa Pound hay Forza Nuova khai thác để kích động người dân Italy.
Những kích động ấy đã biến thành bạo lực ở nhiều nơi trên đất Italy, đặc biệt là ở thủ đô Rome trong nhiều tháng qua. Khi những vụ đốt phá và bạo động ở Tor Sapienza, ngoài rìa Rome vào cuối năm ngoái, chống lại những người nhập cư trong một trại tiếp nhận ở đây, vẫn còn để lại những dư chấn lớn thì mới rồi, một vụ bạo động khác đã bùng lên ở Casale di San Nicola, một vùng khác ở ngoại ô Rome. Người dân địa phương và các lực lượng của Forza Nuova đã tấn công những đoàn xe chở người nhập cư được cảnh sát hộ tống đến khu vực này.
Thông điệp rất rõ ràng: người ta không muốn họ được đưa đến đây, với bất cứ giá nào. Chính phủ đã gặp vô cùng nhiều khó khăn trong việc phân bổ những người nhập cư tới các vùng miền Bắc giàu có, hiện đang do các chính trị gia thuộc Liên minh Phương Bắc đứng đầu chính quyền vùng, đồng thời không đạt được sự ủng hộ của phần đông dân chúng với đề xuất cho người nhập cư vào ở trong các khu nhà bỏ hoang tại các thành phố lớn. Những phản kháng ấy dồn chính phủ vào thế bí, trong hoàn cảnh Italy không thuyết phục được EU đưa ra một chính sách thống nhất và thuyết phục về việc phân bổ người nhập cư, khiến Italy phải gồng mình "tiếp" những dòng nhập cư không ngơi nghỉ đổ bộ lên mảnh đất này.
Nỗi lo sợ trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế dẫn đến việc làm bấp bênh hoặc mất thất nghiệp được nhân lên gấp bội bởi sự bất an do những người nhập cư có thể đem lại. Tỉ lệ tội phạm gia tăng ở nhiều thành phố lớn dễ dàng được đổ cho người nhập cư và càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ. Trên thực tế, phải chăng người Italy phân biệt chủng tộc đến thế? Nhà sử học Giovanni De Luna, một học giả nổi tiếng của trường Đại học Turin, cho rằng: "Người Italy là một dân tộc di cư, nhưng lại không có văn hóa tiếp nhận, và sự kì thị, định kiến với người nước ngoài gia tăng trong một bầu không khí bị vẩn đục bởi khủng hoảng kinh tế và sự lợi dụng của các đảng phái theo xu hướng dân túy". De Luna khẳng định rằng, vấn đề nhập cư và an ninh luôn là chủ đề nhạy cảm và thu hút cử tri.
Một cuộc thăm dò dư luận của Viện nghiên cứu xã hội Demos cho thấy, số người cảm thấy lo ngại cho sự an toàn của mình và gia đình vì sự gia tăng lượng người nhập cư ở Italy đã tăng từ 35% trong tháng 1/2015 lên 42% trong tháng 6/2015. Số người cho rằng, người nhập cư là mối đe dọa cho văn hóa, bản sắc và tôn giáo của người Italy cũng tăng từ 29% lên 32% trong cùng thời gian.
Một bầu không khí nặng nề và căng thẳng đang lơ lửng đâu đó, tù những cuộc tranh cãi nhỏ nhất liên quan đến người nhập cư, và có thể bùng nổ thành một làn sóng xã hội không biết chừng...