03:07 16/03/2015

Vẫn buông lỏng tập huấn an toàn lao động

Hai năm trở lại đây, số vụ tai nạn lao động tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác tập huấn an toàn lao động bị bỏ ngỏ.

Hai năm trở lại đây, số vụ tai nạn lao động tiếp tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác tập huấn an toàn lao động bị bỏ ngỏ.

Tai nạn luôn rình rập

Anh Trần Văn Mạnh (31 tuổi, quê Phú Thọ), là thợ xây đang thi công công trình trên tầng cao tại phường Xuân La (Tây Hồ) nhưng không có phương tiện bảo hộ lao động. Anh cho biết: “Thợ xây chúng tôi ít khi đội mũ bảo hộ do thấy vướng víu, mồ hôi ra khó chịu, cứ mũ vải cho nhẹ”. Tại công trình này, nhiều lao động khác cũng có tâm lý chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động khi thi công tại các công trình cao tầng như không đeo găng tay, giày, mũ bảo hiểm, dây đeo an toàn...

Hướng dẫn các quy trình an toàn lao động.


Thực tế cho thấy, tai nạn lao động luôn rình rập công nhân tại các công trình xây dựng. Anh Nguyễn Văn Thêm (Yên Dũng, Bắc Giang) chân vẫn đi cà nhắc, đến khám lại chân do bị tai nạn cách đây gần 6 tháng, cho biết: “Lần đó, tôi đang trát tường ở tầng 3 một ngôi nhà, thì giàn giáo bất ngờ đổ, khiến tôi và một người nữa bị ngã, cả 2 bị gẫy xương chân và dập phổi. Chủ đầu tư đưa vào viện chạy chữa và đền bù một khoản tiền để lo thuốc thang. Dù đã 6 tháng và tốn kém nhiều tiền nhưng mỗi khi trái gió trở trời đều đau nhức”.

Theo đại diện Công đoàn xây dựng Hà Nội, khi thi công những công trình hầm sâu, tòa nhà cao tầng... công nhân rất dễ gặp tai nạn. Tuy nhiên, do thực hiện công đoạn khoán nên nhiều đơn vị thuê lao động thời vụ chưa tổ chức tập huấn cho công nhân, giám sát. Đây cũng là nguyên nhân xảy ra nhiều tai nạn. Khi xảy ra vụ tai nạn lao động, có tới hơn 50% chủ xây dựng và người lao động tự xử lý, không báo cáo. Do đó, nhiều vụ tai nạn vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu về số vụ tai nạn lao động chết người với 100 vụ làm 101 người chết trong năm qua. Theo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, phổ biến nhất là tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng. Đơn cử như trưa 7/10/2014, trong lúc bắc giàn giáo để lăn sơn nước tại công trình xây dựng nhà tại hẻm 205 Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, TP HCM, anh Nguyễn Văn H (33 tuổi, quê Thanh Hóa) đã ngã từ tầng 3 xuống đất tử vong... 

Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), mỗi năm, cả nước có tới hơn 600 người chết vì tai nạn lao động. Theo biên bản điều tra, nguyên nhân chủ yếu của tai nạn lao động chết người chủ yếu do chủ sử dụng lao động không có các biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Trong đó tai nạn do chưa tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn lao động dẫn đến ngã từ cao chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm hơn 30% số vụ và tổng số người chết. Các lĩnh vực nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng cơ khí.

“Con số thống kê số người chết do các sở LĐTBXH địa phương báo cáo nhưng khảo sát của Cục An toàn lao động (ATLĐ) tại sổ khai tử xã phường và bệnh viện, thì số tai nạn lao động cao gấp 3 - 4 lần với con số thống kê”, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết. 

Tập huấn ATLĐ đi vào thực chất

Theo Cục ATLĐ, những ngành xây dựng, cơ khí... tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, nhưng lực lượng lao động chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và ý thức an toàn vệ sinh lao động. Có tới hơn 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do. Phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản, nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, chỉ biết làm lấy ngày công, ít khi quan tâm đến ATLĐ. Trong khi một số doanh nghiệp xây dựng tìm cách tiết giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ, dẫn đến tình trạng công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ hoặc không giám sát chặt chẽ từ khâu tuyển dụng đến thi công, dẫn đến tai nạn. 

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội: Chủ sử dụng lao động phải có phương án đảm bảo ATLĐ cho người lao động và tập huấn cho họ. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo các quy định về ATLĐ. Khi xảy ra tai nạn, phải xử lý nghiêm thì mới tạo được sức răn đe. Ông Phan Đăng Thụ, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH: Từ cuối năm 2014, chúng tôi đã tập trung vào thanh tra việc đảm bảo ATLĐ trong lĩnh vực xây dựng, nhất là sau những vụ tai nạn liên quan đến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đồng thời tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy chuẩn ATLĐ tại các công trình xây dựng gần khu dân sinh.

Thống kê của Cục ATLĐ, nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động (chiếm 72,7%) vì không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện ATLĐ cho người lao động... ; nguyên nhân do người lao động chiếm 13,4%, do không thực hiện đúng quy trình lao động, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động... 

Ông Hà Tất Thắng cho biết: “Số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm hơn 30%. Đây là ngành nghề xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất. Do đó, để giảm tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, những lao động này phải được huấn luyện. Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để hỗ trợ công tác huấn luyện từ các chương trình quốc gia. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ quy trách nhiệm cho người sử dụng lao động, nếu không huấn luyện ATLĐ, để xảy ra tai nạn lao động thì trách nhiệm nặng hơn.

“Theo quy định, người sử dụng lao động phải được đào tạo an toàn lao động 2 ngày nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp thực hiện. Trong dự thảo Luật Vệ sinh an toàn lao động sẽ trình tại kỳ họp Quốc hội tới đây, tất cả lao động không có quan hệ lao động (35 triệu người, chiếm 66% tổng số lao động) sẽ phải tập trung huấn luyện về ATLĐ. Trong số này, chọn 2,7 triệu người thường tiếp xúc thiết bị vận hành để huấn luyện ATLĐ. 

Nâng cao ý thức chấp hành an toàn lao động

Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Doãn Mậu Diệp (ảnh), Thứ trưởng Bộ LĐTBXH:


* Thưa ông, số vụ tai nạn lao động trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, nhất là trong ngành xây dựng. Vậy theo ông cần có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Báo cáo tình hình ATLĐ vài năm gần đây cho thấy tỷ lệ số vụ tai nạn lao động và người chết tăng lên. Nguyên nhân do Việt Nam đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang công nghiệp, hoạt động xây dựng nhiều hơn. Số lượng người tham gia hoạt động kinh tế tăng lên, trong khi công tác ATLĐ vẫn chưa theo kịp.

Số vụ tai nạn lao động tăng là điều không mong muốn, nên các cấp chính quyền, liên đoàn lao động, doanh nghiệp, người lao động cần quan tâm công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, vệ sinh an toàn lao động.

Để giảm số vụ tai nạn lao động, việc đầu tiên phải nâng cao ý thức người lao động trong quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động. Muốn vậy, người lao động phải huấn luyện qua các khóa ngắn ngày để biết quy định về vệ sinh an toàn lao động. Tiếp theo, phải tổ chức bộ phận vệ sinh ATLĐ tại doanh nghiệp để hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện vệ sinh ATLĐ tại cơ sở. Thực tế, các quy định pháp luật về vệ sinh ATLĐ đã có nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ. 

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên để nhắc nhở doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn quy định vệ sinh ATLĐ... Chúng ta phải làm tốt các giải pháp phòng ngừa vệ sinh ATLĐ mới hạn chế số người tử vong đang gia tăng. Trong dự thảo Luật Vệ sinh ATLĐ, công tác thanh kiểm tra được phân cấp cho cấp huyện, xã. Có vậy mới quán xuyến được công tác đảm bảo an toàn lao động khu vực không có quan hệ về lao động. Lực lượng thanh tra lao động cấp quận, huyện cũng phải được tăng cường về chuyên môn nghiệp vụ để làm tốt hơn công tác đảm bảo ATLĐ cơ sở và giảm thiểu tai nạn lao động.

* Trong dự thảo Luật Vệ sinh an toàn lao động sắp tới sẽ có những điều chỉnh nào đối với những đối tượng lao động tự do không, thưa ông?

Trong Luật Lao động, công tác đảm bảo an toàn mới hướng tới đối tượng có quan hệ lao động. Do đó, dự thảo Luật Vệ sinh an toàn lao động hướng tới mở rộng đối tượng không có quan hệ lao động.

Trong dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là của công đoàn. Tất cả vụ tai nạn lao động thì công đoàn phải yêu cầu người chủ sử dụng lập biên bản, hồ sơ, tổ chức điều tra và kết luận. 

Dự thảo luật cũng quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã phường nơi doanh nghiệp đóng trụ sở khi xảy ra vụ tai nạn đều phải lập biên bản báo cáo, hồ sơ. Do đó, số vụ tai nạn báo cáo chính xác hơn. Từ số liệu chính xác sẽ xác định cụ thể nguyên ngân và từ đó thiết kế chính sách phù hợp với thực tế.

Xin cảm ơn ông!


Xuân Minh