06:05 24/06/2014

"Ván bài gián điệp" nóng lên tại Bắc Cực

Đầu tháng 3/2014, một chiếc tàu cỡ lớn đã rời cảng ở Romania, vượt qua eo biển hẹp ngăn cách châu Âu với châu Á và hướng tới bán đảo Scandinavia. Sau hai năm được tân trang, chiếc tàu trị giá 250 triệu USD này sẽ bắt đầu nhiệm vụ do thám các hoạt động của Nga tại Bắc Cực.

Đầu tháng 3/2014, một chiếc tàu cỡ lớn đã rời cảng ở Romania, vượt qua eo biển hẹp ngăn cách châu Âu với châu Á và hướng tới bán đảo Scandinavia. Sau hai năm được tân trang, chiếc tàu trị giá 250 triệu USD này sẽ bắt đầu nhiệm vụ do thám các hoạt động của Nga tại Bắc Cực.

 

Băng tan khiến Bắc Cực trở thành vùng đất hấp dẫn về tài nguyên với các nước xung quanh.

Khi biến đổi khí hậu đang khiến diện tích mặt biển bị băng bao phủ tại Bắc Cực giảm đi, các quốc gia Bắc Cực gồm Canada, Mỹ, các nước Bắc Âu và Nga tìm cách xới lại "ván bài gián điệp" Đông-Tây trong thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù khía cạnh quân sự vẫn quan trọng, nhưng "ván bài gián điệp" lần này còn kèm thêm khía cạnh kinh tế: Giành lợi thế trong việc cạnh tranh các nguồn dầu mỏ và khí đốt tiềm tàng, cùng với các tuyến đường vận chuyển và ngư trường mới. Ủy ban Giám sát tình báo và An ninh của Quốc hội Canada từng đưa ra nhận xét rằng "hoạt động gián điệp tại Canada hiện ở mức cao bằng điểm thời Chiến tranh Lạnh" và Cơ quan Tình báo Canada đang được tổ chức lại để tập trung hơn vào khu vực phía Bắc.


Những vùng biển tan băng ở Bắc Cực đã cho phép có thêm nhiều tàu biển đi qua tuyến đường Biển Bắc, ở phía Bắc nước Nga. Việc băng tan cũng đang mở ra một mặt trận năng lượng mới: Bắc Cực được cho là đang sở hữu 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được phát hiện của thế giới. Các nguồn tài nguyên dễ tiếp cận nhất đang nằm bên trong đường biên giới các quốc gia và không xảy ra tình trạng tranh chấp. Nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng nguy cơ xung đột còn nằm ở phía trước, khi diện tích băng tan đủ để phát hiện ra các nguồn dầu khí mới nằm ở những khu vực mà chủ quyền còn chưa rõ ràng. Mỹ, Canada, Đan Mạch, Na Uy và Nga có thể sẽ có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn.


Những người chỉ trích cho rằng Mỹ đang tụt hậu trong cuộc đua này. Một ủy ban gồm các tướng lĩnh Mỹ phát hiện ra rằng lực lượng Tuần duyên Mỹ chỉ có một tàu phá băng và hải quân Mỹ chỉ có một vài con tàu có khả năng phá băng và hoạt động tại Bắc Cực. Còn tại một hội nghị an ninh quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh mong muốn "duy trì ảnh hưởng của Nga tại Bắc Cực và có thể trong một số lĩnh vực trước các đối tác khác".


Kèm theo đó là những hoạt động gián điệp. Ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine cản trở sự hợp tác giữa Nga và phương Tây tại Bắc Cực, các nước phương Tây đã cáo buộc có các cuộc tấn công mạng và do thám từ Nga và Trung Quốc. Tại Na Uy, các quan chức an ninh cho biết các kế hoạch và bí quyết Bắc Cực của họ, gồm công nghệ tiên tiến cho việc thăm dò dầu khí nước sâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đang thu hút sự chú ý không mong muốn của các điệp viên nước ngoài. Tại Canada, một sĩ quan hải quân đã bị kết án 20 năm tù vì làm gián điệp cho Nga, trong khi một người khác bị bắt vì tìm cách cung cấp cho Trung Quốc thông tin nhạy cảm về các kế hoạch đóng tàu tuần tra tại Bắc Cực của Canada.


Tại Đan Mạch, Giáo sư khoa học chính trị Timo Kivimaki đã bị quản thúc tại gia hai tháng rưỡi khi tòa án phát hiện ra những tiếp xúc của ông với Nga vi phạm các bộ luật tình báo của Đan Mạch. Ông Kivimaki cho biết đã bị bắt khi đang trên đường đi gặp một nhà ngoại giao Nga với một chiếc cặp có những tài liệu công khai về các chuyên gia Đan Mạch nghiên cứu chính sách Bắc Cực.


Trong khi đó, một tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ cho biết Cơ quan Tình báo Na Uy đã giúp NSA tiếp cận "các mục tiêu Nga trên bán đảo Kola, căn cứ của Hạm đội Biển Bắc của Nga, cũng như các thông tin về chính sách năng lượng Nga". Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Na Uy Grandhagen từ chối phát biểu về tài liệu của NSA nhưng tuyên bố việc Na Uy hợp tác trong các vấn đề tình báo với Mỹ là không có gì bí mật.


Theo "Thư tín địa cầu"