06:11 26/06/2014

Vai trò cầm cân nảy mực của ICJ

Là nơi mà các nước muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình tìm đến, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã góp công lớn trong thúc đẩy và duy trì ổn định trên thế giới với vai trò cầm cân nảy mực của mình.

Là nơi mà các nước muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình tìm đến, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã góp công lớn trong thúc đẩy và duy trì ổn định trên thế giới với vai trò cầm cân nảy mực của mình.

 

Kỳ 1: Tòa án của cộng đồng quốc tế

 

ICJ được thành lập năm 1945 và bắt đầu hoạt động năm 1946. Khác với Tòa án Thường trực, ICJ là một cơ quan của Liên hợp quốc và được Hiến chương LHQ coi là “cơ quan tư pháp cơ bản của LHQ”.

 

Trụ sở của ICJ ở La Haye, Hà Lan.


Khi mới thành lập, ICJ là tòa án quốc tế duy nhất của cộng đồng toàn cầu. Ngày nay, dù có rất nhiều tòa án quốc tế cùng hoạt động nhưng có những đặc điểm chỉ ICJ mới có. Một trong những đặc điểm đó là tính phổ quát. Bất kỳ nước nào trong 192 thành viên LHQ đều có thể là bên bị và bên nguyên trong các vụ kiện trước ICJ và thành viên nào cũng có thể tham gia bỏ phiếu bầu quan tòa ICJ tại Đại hội đồng. Năm 2008, trong lần bỏ phiếu bầu quan tòa gần đây nhất, toàn bộ 192 nước đã tham gia chọn ra 5 quan tòa cho ICJ.


Hiện nay, tính phổ quát của ICJ được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Theo số liệu năm 2011, có 88 quốc gia đã là các bên có liên quan trong các vụ kiện trước ICJ, trong đó hàng chục quốc gia đang tham gia các vụ kiện đang diễn ra.


ICJ còn “phổ biến” ở chỗ: Không giống các tòa án chuyên trách và các tòa trọng tài vốn chỉ có quyền phán quyết về một số lĩnh vực cụ thể trong luật pháp quốc tế, như Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển chỉ phán quyết các vụ liên quan đến biển, ICJ có thể xử bất kỳ một vụ việc nào trong mọi lĩnh vực. Các vụ việc mà ICJ đang nhận liên quan đến nhiều lĩnh vực như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải; vấn đề môi trường; săn bắt cá voi; truy tố, dẫn độ các cựu nguyên thủ quốc gia... Nhiều vụ có tầm quan trọng lớn với các bên có liên quan cũng như với cả cộng đồng quốc tế.


ICJ có quyền hạn xét xử trong hai loại vụ án: Một là các nước kiện lẫn nhau, hai là các cá nhân, tập đoàn, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế kiện lẫn nhau.


Mặc dù cả 192 nước thành viên LHQ đều có thể là các bên trong các vụ kiện trước ICJ, nhưng điều này không có nghĩa là ICJ sẽ phán quyết bất kỳ vụ nào do một trong các nước này đưa ra. ICJ chỉ phán quyết trong trường hợp cả hai bên nhất trí tham gia vụ kiện và nhất trí với quyền phán quyết của tòa.


Sự nhất trí giữa hai nước có thể thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong nhiều vụ mà ICJ đã xử xong, các bên đều thống nhất đưa tranh chấp ra ICJ ngay từ đầu. Hình thức nhất trí này đặc biệt phổ biến trong tranh chấp lãnh thổ. Các vụ mà ICJ từng xử như tranh chấp giữa Malaysia và Singapore, Malaysia và Indonesia hay Benin và Niger... đều thuộc trường hợp trên.


Ngoài ra, các nước có thể thống nhất trước khi tranh chấp nảy sinh. Hai nước có thể có hiệp ước song phương nói rõ rằng trường hợp có xung đột giữa hai bên ký kết hiệp ước, một trong hai bên có thể đưa vấn đề nhờ ICJ xét xử.


Ngoài hiệp ước song phương, hiệp ước đa phương cũng có thể có điều khoản về giải quyết tranh cãi, trong đó nêu rõ sẽ đưa vấn đề ra tòa nếu không thể đàm phán. Một ví dụ là Điều 14 (1) của Công ước Montreal về xử lý các hành động phi pháp gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng năm 1971, trong đó nêu rõ: “Bất kỳ tranh cãi nào giữa hai hoặc nhiều nước liên quan đến việc hiểu và áp dụng công ước này mà không thể dàn xếp qua thương lượng, thì theo đề nghị của một bên, tranh cãi sẽ được đưa ra tòa trọng tài. Nếu trong vòng 6 tháng từ ngày đưa ra tòa trọng tài, các bên không thể thống nhất về tòa trọng tài, một bên nào đó có thể đưa tranh cãi ra ICJ”.


Điều khoản kiểu như vậy có mặt trong nhiều công ước quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Nó là cơ sở để ICJ quyết định rằng mình có quyền phán quyết trong những trường hợp như việc Libya kiện Anh và Mỹ liên quan đến vụ một máy bay của hãng hàng không Pan - Am bị đánh bom trên bầu trời Lockerbie ở Scotland tháng 12/1988 khiến 279 người thiệt mạng.


Trong trường hợp đã thống nhất trước trong hiệp ước song phương hoặc đa phương mà một nước nào đó vẫn phản đối ra ICJ thì ICJ vẫn có quyền phán quyết vụ việc.


Quy trình xét xử tại ICJ có thể rất mất thời gian, vì các bên có liên quan đề nghị hai vòng bào chữa kéo dài trong 1 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, các vụ gây tranh cãi thường được xét xử khẩn cấp hơn.


Trái với tòa án quốc gia, ICJ không có cảnh sát hay chấp hành viên để triển khai trong trường hợp một bên không tuân theo phán quyết của tòa. Điều 94 (2) của Hiến chương LHQ nói rõ: “Nếu một bên trong vụ kiện không thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết của ICJ, bên kia có thể nhờ đến Hội đồng Bảo an. Nếu Hội đồng Bảo an thấy cần thiết thì đề xuất hoặc quyết định biện pháp để thực hiện phán quyết của ICJ”.


Với điều này, Hội đồng Bảo an có thể áp đặt lệnh trừng phạt hoặc thậm chí cho phép thực hiện hành động quân sự để thực thi phán quyết của ICJ. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào cần Hội đồng Bảo an phải “ra tay” theo kiểu này. Trong thực tế, việc thực thi các quyết định của ICJ phụ thuộc vào ý chí của các nước có liên quan và áp lực mà cộng đồng quốc tế có thể gây ra với các nước “ngoan cố”.


Về cách thức ra phán quyết, ICJ có khác biệt so với các tòa án khác. Các luật sư thường quen với hệ thống tòa án mà mỗi quan tòa sẽ tự viết phán quyết của chính mình, mặc dù đôi khi một quan tòa có thể viết phán quyết cho số đông (như ở Tòa án Tối cao Mỹ hay Anh). Ngược lại, với một số tòa án như Tòa án Công lý châu Âu lại theo mô hình một phán quyết duy nhất, nhưng trong đó không nói rõ phán quyết này có được toàn bộ các quan tòa đồng ý hay chỉ đa số.


ICJ theo mô hình kết hợp các mô hình trên. Tòa ra một phán quyết nhưng trong mỗi phần của phán quyết sẽ thể hiện rõ bao nhiêu quan tòa đồng ý hoặc phản đối điểm này. Ngoài ra, trái với cách thức của Tòa án Công lý châu Âu, mỗi quan tòa ICJ đều có quyền bổ sung quan điểm riêng hoặc ý kiến phản đối vào phán quyết chung của tòa.


Thùy Dương


Đón đọc kỳ cuối: Tầm quan trọng không thể thay thế