10:09 01/10/2011

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Sáng 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về 2 dự án luật: Giáo dục đại học và Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Sáng 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về 2 dự án luật: Giáo dục đại học và Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết ban hành Luật để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDĐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn của GDĐH như về mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDĐH, về kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo quốc tế... chưa được giải quyết đủ thấu đáo, triệt để. Nhiều điều khoản thay vì được quy định cụ thể ngay trong Luật lại được giao cho các văn bản dưới luật...

Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thực tế trong GDĐH đã có sự phân tầng, có trường ở mức cao, cũng có trường ở mức trung bình và sự phân tầng này là cần thiết. Một trong những vấn đề cần lưu ý hiện nay là đổi mới trong nhận thức tăng cường đầu tư trong nước, để có các trường có thương hiệu, trường chuẩn, nâng cấp trường. Các trường thứ hạng cao cũng cần đầu tư mạnh, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học. Khâu kiểm định cũng nên làm rõ, công khai để các trường và xã hội biết đang ở thứ hạng nào.

Tán thành với Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng cần quy định cụ thể hơn Hội đồng trường trong trường công lập và Hội đồng quản trị trong các trường ngoài công lập về cơ cấu thành phần, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên; mối quan hệ với Hiệu trường và các tổ chức khác trong nhà trường để bảo đảm hiệu quả hoạt động.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát để làm rõ việc đảm bảo tính thống nhất giữa Luật này với Luật Giáo dục và các luật khác có liên quan. Trong quá trình soạn thảo cần đảm bảo nâng cao tính tự chủ của các cơ sở GDĐH nhưng đồng thời cũng phải đúng quy định của pháp luật hiện hành. Dự thảo cần nêu rõ hơn nữa việc phân tầng các trường đại học, quản lý giáo viên, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt cần làm rõ chương trình và sách giáo khoa đại học, vấn đề tuyển sinh, kiểm định, đưa ra một mức sàn để xã hội có cơ sở đánh giá; trách nhiệm bảo đảm tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị xã hội hoạt động

Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thuốc lá

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người vào năm 2030 (gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm). Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới; việc kinh doanh thuốc lá lậu chưa được kiểm soát. Hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá chưa đồng bộ, có nhiều khoảng trống, hiệu lực pháp lý thấp. Do đó, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là hết sức cần thiết, nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp.

*Chiều 30/9, các đại biểu đã cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tờ trình về Đề án nêu rõ, đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành, từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và quản lý mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp của nhiều phương thức tổng hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, tập trung vào những vấn đề bức xúc, được dư luận đồng tình và đánh giá cao.

Những đổi mới đề nghị triển khai thực hiện từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tập trung vào các nội dung: Tại kỳ họp Quốc hội, đổi mới việc chuẩn bị và trình bày tờ trình, báo cáo, dự án theo hướng tóm tắt nội dung và rút ngắn thời gian trình bày tại hội trường; đổi mới thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội cả về nội dung và hình thức, đổi mới việc thảo luận tại phiên họp toàn thể theo hướng phát huy vai trò điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đổi mới theo hướng tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề và thông báo trước để đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị câu hỏi, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp của đại biểu Quốc hội. Đổi mới việc xây dựng các nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội theo hướng trước kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cụ thể các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo nghị quyết sẽ ban hành tại kỳ họp để bảo đảm sự chủ động và nâng cao chất lượng chuẩn bị dự thảo nghị quyết.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đổi mới tập trung vào 3 nội dung: Việc chuẩn bị và quyết định dự kiến chương trình kỳ họp, phiên họp; cách thức tiến hành thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tờ trình cũng nêu ra những kiến nghị đổi mới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; việc quyết định các vấn đề quan trọng; hoạt động đối ngoại của Quốc hội...

Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với nhiều nội dung được đề xuất trong Tờ trình.

Cơ bản tán thành với nhiều nội dung nêu trong Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thấy rằng, trong Đề án thiếu hẳn một nội dung quy định về hoạt động và điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; đồng thời đề nghị ban soạn thảo Đề án cần bổ sung nội dung này. Nêu lên những băn khoăn về hoạt động tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị, cần nghiên cứu, cải tiến cách thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh hình thức, tạo điều kiện để mọi người dân có thể dự các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp Quốc hội...

Thanh Hòa - Quỳnh hoa