12:11 18/12/2012

Ủy ban bầu cử Ai Cập điều tra vi phạm trưng cầu ý dân

Ngày 17/12, Ủy ban Bầu cử tối cao (HEC) đã bắt đầu tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm trong đợt một cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp vừa được tổ chức tại 10 tỉnh thành của Ai Cập.

Ngày 17/12, Ủy ban Bầu cử tối cao (HEC) đã bắt đầu tiến hành điều tra các cáo buộc vi phạm trong đợt một cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp vừa được tổ chức tại 10 tỉnh thành của Ai Cập.

Thẩm phán Mohamed El-Tamboli, một thành viên của HEC, cho biết đường dây nóng của ủy ban này đã ghi nhận nhiều tố cáo từ người dân cũng như các tổ chức xã hội dân sự về những hành vi gây sức ép đối với các cử tri, tuyên truyền bầu cử trái phép, việc thiếu thẩm phán giám sát và các điểm bỏ phiếu mở cửa muộn.

Tổng Công tố Ai Cập mới được bổ nhiệm Talat Ibrahim Abdullah đã đệ đơn từ chức lên Hội đồng Tư   pháp tối cao. Ảnh: THX/TTXVN



Dự kiến, kết quả điều tra sẽ được thông báo vào cùng thời điểm công bố kết quả trưng cầu ý dân.

Trước đó, trong một cuộc họp báo tổ chức vào ngày 16/12, nhiều tổ chức nhân quyền đã cáo buộc có nhiều vi phạm trong quá trình bỏ phiếu, đồng thời hối thúc Bộ trưởng Tư pháp thành lập một nhóm thẩm phán điều tra về các vụ việc này. Mặt trận Cứu quốc, tổ chức quy tụ nhiều lực lượng đối lập nổi bật, đã kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 18/12 nhằm phản đối các vi phạm trong cuộc trưng cầu ý dân đợt một.

Ngày 17/12, ông Abu Seada, người đứng đầu Tổ chức Nhân quyền Ai Cập đồng thời là tổng điều phối Liên minh Giám sát trưng cầu ý dân, cho biết các nhóm nhân quyền có thể sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi tổ chức lại đợt một cuộc trưng cầu ý dân. Ông Seada cũng cho biết các nhà giám sát thuộc liên minh này đã ghi nhận hàng nghìn vi phạm trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua.

Ngày 17/12, đụng độ đã nổ ra trước cửa Tòa án Hiến pháp tối cao sau khi lực lượng an ninh ngăn cản các thẩm phán vào khu nhà. Khoảng 600 thẩm phán đã tham gia một cuộc biểu tình tại địa điểm này đòi Tổng Công tố Talaat Abdallah từ chức với cáo buộc ông này đã gây sức ép buộc các thẩm phán điều tra các vụ đụng độ bên ngoài Phủ Tổng thống vào đêm 5/12 vừa qua. Những người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối hành động "thao túng" kết quả trưng cầu ý dân và kêu gọi Tổng thống Morsi từ chức.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng Công tố Abdallah, đại diện các thẩm phán và công tố viên đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình ngồi "vô thời hạn" trước cửa Tòa án Hiến pháp tối cao.

Về phần mình, các thẩm phán tại tỉnh Assiut đã quyết định đình công nhằm gia tăng sức ép lên Tổng Công tố, người mà họ cho là đã can thiệp vào công việc của các công tố viên nhằm phục vụ mục đích chính trị và được bổ nhiệm trái với quy định của Hiến pháp năm 1971 cũng như dự thảo hiến pháp mới. Theo kế hoạch, ngày 18/12, các thẩm phán sẽ kéo từ Assiut về thủ đô Cairo để tham gia cuộc biểu tình ngồi trước cửa Tòa án hiến pháp tối cao.

Trong khi đó, tối 17/12, những người biểu tình đối lập đã quay lại Phủ Tổng thống để chuẩn bị tham gia biểu tình theo lời kêu gọi của Mặt trận Cứu quốc. Họ hô các khẩu hiệu phản đối gian lận trong cuộc bỏ phiếu và đòi Tổng thống từ chức. Xô xát đã xảy ra khi những người biểu tình cố vượt qua các phòng tuyến bảo vệ của lực lượng an ninh xung quanh Phủ Tổng thống.

Trong bối cảnh trên, truyền thông Ai Cập ngày 17/12 cho biết Tổng Công tố Abdallah đã đệ đơn từ chức lên Hội ​​đồng Tư pháp nhà nước (SJC) sau chưa đầy một tháng được bổ nhiệm giữ chức vụ này. Ông Abdallah được Tổng thống Morsi bổ nhiệm thay thế người tiền nhiệm Abdel Meguid Mahmoud và tuyên thệ nhậm chức ngày 22/11.

Đầu tháng 12, vị Tổng Công tố này đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích và phản đối của các cơ quan tư pháp khi quyết định điều chuyển một công tố viên từ thủ đô Cairo về tỉnh Beni Suef sau khi công tố viên này ra quyết định phóng thích những người biểu tình bị bắt giữ sau các vụ đụng độ gây thương vong trước cửa Phủ Tổng thống vào tối ngày 5/12. Tuy nhiên, sau đó, ông Abdallah đã rút lại quyết định điều chuyển.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/12, Câu lạc bộ Thẩm phán thuộc Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố tẩy chay đợt hai cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 22/12 tới. Nhật báo Ai Cập "Almasry Alyoum" dẫn lời người đứng đầu câu lạc bộ này Hamdi Yassin cho biết quyết định này được đưa ra do chính quyền không đáp ứng được các điều kiện giám sát đợt một cuộc bỏ phiếu.


TTXVN/Tin tức