02:09 08/02/2012

Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho phép 5 tổ chức tín dụng (TCTD) được áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc bằng 1/5 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường khi có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp...

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho phép 5 tổ chức tín dụng (TCTD) được áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc bằng 1/5 so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường khi có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70% cho thấy NHNN khuyến khích các TCTD tham gia “kênh” tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Giao dịch cho vay tại Agribank huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Trong số 5 TCTD được ưu tiên về tỷ lệ dự trữ bắt buộc có tên hai ngân hàng TMCP: Mê Kông (MDB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bên cạnh những tên tuổi đã quen thuộc với khu vực nông nghiệp, nông thôn là Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Việc xuất hiện những ngân hàng TMCP như MDB, LienVietPostBank có tỷ lệ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn cao cho thấy, chính bản thân các ngân hàng đang chuyển phân khúc cho vay. Thực tế khoảng một năm gần đây nhiều ngân hàng như: Techcombank, VIB, SHB... đã tiên phong cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên các ngân hàng này mới dừng ở việc cung cấp các gói dịch vụ tài trợ cho xuất khẩu cà phê, thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm. Đó mới chỉ là hỗ trợ vốn cho “đầu ra” của sản phẩm, còn chưa có những sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho người dân trồng cà phê, chè hay chăn nuôi.

Theo một chuyên gia ngân hàng, rất có thể thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng chuyển hướng cho vay sang khu vực nông nghiệp, nông thôn. Sở dĩ các TCTD quay về với nông nghiệp, nông thôn do gần đây khu vực thành thị luôn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. Cùng với đó, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm, bất động sản lao dốc và việc NHNN khống chế về cho vay lĩnh vực phi sản xuất đã buộc các nhà băng phải tính toán lại tỷ lệ tín dụng đối với từng phân khúc khách hàng. Theo số liệu từ Vụ Tín dụng (NHNN), nếu như năm 2009, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chỉ ở mức trên 292,9 nghìn tỷ đồng, thì năm 2010 dư nợ cho vay lĩnh vực này đã đạt trên 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 30,41% so với năm trước, chiếm 17,45% tỷ trọng so với cho vay nền kinh tế. Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn ước đạt 477,492 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 25,26% so với năm trước, chiếm 20% tỷ trọng so với cho vay nền kinh tế.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2012, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt chú trọng. Tín dụng lĩnh vực này không những nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh bình thường như năm vừa qua mà còn hướng tới các cơ sở chế biến lúa gạo, chế biến nông thổ sản, hải sản; đặc biệt chú trọng tới việc cho vay tạo ra hệ thống kho vận một cách hợp lý để các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, NHNN xây dựng Agribank làm trụ cột cho vay nông nghiệp, nông thôn; giao Agribank đưa dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2012 phải chiếm từ 75 - 80% tổng dư nợ; đồng thời, khuyến khích tất cả các ngân hàng khác tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Số liệu từ Agribank cho thấy, tính đến 31/12/2011, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt 443.476 tỷ đồng, tăng 28.721 tỷ đồng (tương đương 6,9%) so với cuối năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ 68,01% dư nợ cho vay nền kinh tế. Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, năm 2012, Agribank khuyến khích các chi nhánh tăng vốn huy động tại địa phương để mở rộng cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Trụ sở chính sẽ cân đối các nguồn vốn để đảm bảo cho các chương trình tín dụng lớn của hệ thống như cho vay đối với sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu mặt hàng lương thực, thủy hải sản, cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nông sản, thực phẩm với công nghệ cao và nông sản, thực phẩm. Đặc biệt, Agribank cũng đang nghiên cứu sản phẩm cho vay nhỏ, chỉ ở mức 5 triệu đồng, với thủ tục cho vay đơn giản.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), điều băn khoăn của các TCTD khi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là món vay nhỏ, chi phí cao nhưng mức độ rủi ro lại khó lường. Rủi ro mà khu vực này gặp phải thường là thiên tai, dịch bệnh. Nếu Nhà nước có những chính sách hỗ trợ tốt hơn sẽ thu hút thêm nhiều TCTD đưa vốn về nông thôn.

Trang Nhung