07:09 02/07/2015

Ưu tiên ổn định đời sống người dân

Đến nay các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nơi có dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư xen ghép vào các bản, các xã và khu tái định cư tự nguyện.

Đến nay các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nơi có dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu đã hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư xen ghép vào các bản, các xã và khu tái định cư tự nguyện. Mặc dù vậy, đời sống người dân ở những điểm tái định cư thủy điện vẫn còn khó khăn.

Cơ bản tốt hơn nơi ở cũ

Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu và Sơn La, đến nay thực hiện công tác di dân, tái định cư (TĐC) các công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, tỉnh Lai Châu có 8.838/8.918 hộ với 44.647 nhân khẩu phải di chuyển, TĐC tại 34 khu, 111 điểm tập trung. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành di chuyển an toàn cho 12.584 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, giao 24.653/24.668 ha đất cho nhân dân vùng TĐC. Tỉnh cũng đã hoàn thành phê duyệt chi tiết 52/53 khu, 217/229 điểm TĐC, hoàn thành đưa vào sử dụng 2.022/2.289 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.474 tỷ đồng.

Nhân dân bản On đồng thuận di chuyển đến điểm tái định cư bản Mùi, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN


Các hộ dân cơ bản được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; hệ thống điện được đầu tư đồng bộ về đường dây, trạm biến áp và công tơ cấp điện đến từng hộ TĐC, hiện 100% hộ dân TĐC được sử dụng điện lưới quốc gia. Việc lựa chọn xây dựng các khu, điểm TĐC cơ bản phù hợp với điều kiện của địa phương. Công tác di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, đúng tiến độ; đặc biệt dự án thủy điện Sơn La đã hoàn thành di chuyển dân vượt tiến độ trước 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tây Bắc về các dự án thủy điện trên địa bàn Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình mới đây cho thấy, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ TĐC, công tác giao đất, bố trí... đất về cơ bản đã được tiến hành đúng theo quy định, chính sách của Nhà nước. Bình quân diện tích đất ở nông thôn đạt 300 - 400m2/hộ, đất ở đô thị đạt 100 - 120m2/hộ, đất sản xuất đạt 1,0 - 1,2 ha/hộ. Các tỉnh đã chỉ đạo nhà đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiến độ đề ra. Các công trình cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Về cơ bản, đời sống và sản xuất của người dân TĐC đã dần ổn định trên quê hương mới. Các hộ đều được giao đất ở, đất sản xuất, nhà ở được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ, với các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn bản, nội bản các khu, điểm TĐC đều được đầu tư; đại đa số hộ dân được sử dụng điện thắp sáng, được phủ sóng phát thanh, truyền hình; các điểm trường được xây dựng phù hợp với khu TĐC, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào đến trường. Trạm y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên với sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, duy trì và phát huy. An ninh, trật tự được đảm bảo; các khu, điểm đã thành lập được các tổ, đội tự quản. Đại bộ phận các hộ TĐC khu vực nông nghiệp đã tổ chức được sản xuất, tạo nguồn thu nhập từ nông sản ổn định và ngày càng gia tăng. Nhiều ngành nghề mới được du nhập như nuôi trồng, khai thác thủy sản vùng lòng hồ, sản xuất hàng thủ công, sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất hàng hoá. Một bộ phận lao động của các khu TĐC dự án thủy điện Sơn La được Công ty cổ phần cao su bố trí vào làm trong công ty nên có thu nhập ổn định và khá hơn các hộ quảng canh, thu nhập bình quân trên một lao động khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Cần một con đường thoát nghèo

Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đa số hộ di dân TĐC trước đây ở các lòng hồ có tập quán trồng cấy lúa nước, nên đồng bào vẫn có nguyện vọng trồng cấy lúa nước. Mong muốn của họ là có diện tích đất sản xuất rộng hơn, một số ít vẫn chưa hài lòng với cuộc sống hiện tại mặc dù đã tốt hơn nơi ở cũ.
Trên thực tế, đời sống đồng bào một số điểm TĐC như ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Con đường thoát nghèo, ổn định và phát triển sản xuất, đời sống còn chưa rõ, nhất là sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Tỷ lệ hộ nghèo tại các khu điểm TĐC còn cao so với mặt bằng chung (Sơn La còn khoảng 20,4%, Lai Châu 17%, Hòa Bình 36%, Tuyên Quang 21,31%). Việc sử dụng lao động qua đào tạo tại các khu, điểm TĐC chưa được quan tâm, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp ở các trường dạy nghề thì chưa có việc làm.

Nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hàng năm chậm, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được hiệu quả, thiếu quản lý, duy tu, bảo dưỡng, do ảnh hưởng mưa lũ. Đặc biệt, các công trình nước sạch tập trung, hầu hết tại các khu, điểm có TĐC thì bị hỏng, nhất vào mùa khô, nhiều hộ phải mua nước sinh hoạt. Đồng bào TĐC mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có sự đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho thấy việc áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao còn rất hạn chế. Sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Lực lượng lao động vùng TĐC tương đối lớn nhưng chủ yếu là lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo; tại các điểm TĐC thiếu đất sản xuất dẫn đến người lao động thiếu việc làm, trong khi đó chính quyền địa phương chưa có biện pháp khắc phục quyết liệt. Chính sách đền bù di dân TĐC mới chỉ dừng ở việc đền bù thiệt hại về diện tích đất đang sử dụng và các tài sản trên đất, các thiệt hại gián tiếp ở nơi ở cũ và nơi ở mới chưa được xét đến trong các chính sách TĐC. Giá đất đền bù thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, do vậy việc chuyển nhượng của người dân sở tại cho các hộ tái định cư khó thực hiện cũng là một trong những nguyên nhân thiếu đất sản xuất của người tái định cư.

Tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, các điểm TĐC thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát ngoài những khó khăn chung thì đất sản xuất được giao phần lớn có địa hình dốc, bạc màu, hiệu quả canh tác thấp, diện tích đất sản xuất giao cho các hộ TĐC bình quân 0,42 ha, trong khi theo quy định là 3,0 ha/hộ. Công trình nước sạch đã được xây dựng xuống cấp, chưa phát huy được hiệu quả, không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng cộng với ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng chưa cao nên đã xuống cấp; hiện tại người dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là vào mùa khô.


Nguyễn Tiến Hiển