12:07 17/12/2014

Ứng phó với biến đổi khí hậu ở đô thị

Theo dự báo, Việt Nam là một trong 5 nước tại Đông Á sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Các vùng đô thị trong cả nước sẽ phải đối mặt với những hệ quả như thiên tai, bão lũ, nước biển dâng...

Theo dự báo, Việt Nam là một trong 5 nước tại Đông Á sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Các vùng đô thị trong cả nước sẽ phải đối mặt với những hệ quả như thiên tai, bão lũ, nước biển dâng...

Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), tính đến tháng 6/2014, Việt Nam có 772 đô thị. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 840 đô thị, con số này vào năm 2020 là khoảng 934 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,9%; trong đó tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước là vùng Đông Nam Bộ với 62%. Số lượng đô thị hiện có lớn cùng với tốc độ đô thị hóa cao đồng nghĩa với việc những ảnh hưởng, tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị tại Việt Nam sẽ là một áp lực lớn.

Người dân huyện Đầm Dơi (Cà Mau) khắc phục hậu quả lở đất do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.


Mỗi vùng đô thị lại chịu những mức độ tác động khác nhau. Cụ thể, nhóm đô thị ven biển như vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ sẽ có nguy cơ bị ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước… Có khoảng 40 tỉnh với khoảng 128 đô thị có nguy cơ ngập cao; trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh trong nhóm này có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Riêng ĐBSCL sẽ là một trong ba đồng bằng có khả năng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Theo dự báo, khi mực nước biển dâng lên một mét, toàn bộ 13 tỉnh, thành của ĐBSCL có nguy cơ ngập nặng, có 63 đô thị nguy cơ ngập cao, trong đó có các đô thị lớn như: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá…

Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động lớn nhất của BĐKH, với khoảng 70% dân số gánh chịu hệ quả nặng nề. Hàng năm, thiên tai gây thiệt hại tương đương khoảng 1,5% giá trị GDP của cả nước.

Không chỉ gây ngập úng, BĐKH còn gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Có 29 tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ với khoảng 143 đô thị chịu ảnh hưởng; trong đó có 17 đô thị lớn, trung bình.

Đặc biệt, các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn, các khu kinh tế tổng hợp đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia và cấp vùng đang được tập trung đầu tư lớn về cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở… được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ BĐKH.

Trước thực tế này, để ứng phó với BĐKH, việc điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn đến năm 2020 càng trở nên bức thiết. Qua đó có thể khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của BĐKH, tính toán khả năng mức độ thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro.

Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Xây hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị; xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Cùng với đó phải khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư, di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro; phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Trong kế hoạch phát triển đô thị mới phải luôn gắn liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ để tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, ưu tiên các dự án đô thị xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế… Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cần phối hợp để đánh giá một cách toàn diện, từ đó lập kế hoạch thích ứng cho từng địa phương.


Bùi Hằng