08:08 27/08/2012

Ứng phó

Trận bão số 5 đã đi qua, nhưng những hậu quả của nó gây ra đối với Hà Nội đang đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng ứng phó với thiên tai của thủ đô, nơi vốn được đầu tư trọng tâm về nhiều mặt.)

Trận bão số 5 đã đi qua, nhưng những hậu quả của nó gây ra đối với Hà Nội đang đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng ứng phó với thiên tai của thủ đô, nơi vốn được đầu tư trọng tâm về nhiều mặt.)

 

Tâm điểm dư luận dồn nhiều vào câu chuyện xảy ra tại đường Lê Văn Lương, con đường được xây dựng vào dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mới thông xe được hơn 1 năm, lưu lượng chạy còn ít, thế mà sau bão bỗng dưng xuất hiện một hố tử thần. Điều đáng nói hố này lại nằm ngay trên mặt chính đường quốc lộ, cho thấy không thể do bão gây ra trực tiếp. Ở đây, bão chỉ là nguyên nhân gián tiếp, còn nguyên nhân trực tiếp chính là do con người - đã tạo ra một công trình có chất lượng “không đỡ nổi”, đã biến lòng đường hào nhoáng thành những cạm bẫy chết người, rất nguy hiểm!


Cũng trong cơn bão nhanh và chưa phải là lớn lắm này, Thủ đô có gần 200 cây bị gẫy, đổ. Trong khi đó trận mưa lũ lịch sử cuối năm 2008 cũng chỉ có 88 cây gặp “tai nạn”. Vì sao vậy? Vẫn là vấn đề chất lượng đường! Có những đoạn đường vừa xây mới xong, vài tháng sau lại có những tốp nhân công đến khoan, cắt nát lòng đường nhiều mảnh. Để làm gì? Để sửa chữa, nâng cấp.

 

Dự toán kinh phí đã có, đã duyệt, đã chi, phải triển khai giải ngân, thế là đương nhiên phải khoan, phải đục. Không chỉ lòng đường, mà vỉa hè cũng là đối tượng hay được “ưu tiên” cải tạo, hết bới gạch, đào đất, thay nền, lại khoan, lại đục…, biến những vỉa hè đẹp đẽ hiền lành thành vá víu nham nhở. Cũng từ đây, các gốc cây được cắt tỉa hầu hết rễ, đất thổ bị xới tơi xốp, hời hợt chôn vùi, khiến cho chỉ một cơn bão chưa lớn cũng đã làm gẫy, đổ nhiều cây lớn. Cây đổ, lòng tin của nhiều người dân cũng đổ theo cây, vì họ giờ đây phải lo mất an toàn ngay trong chính những ngôi nhà của mình!


Lại nữa, khi bão đến, ngay tại tòa nhà Keangnam, nơi nổi tiếng cao nhất, sang bậc nhất Hà Nội, người giầu cũng đã… phải khóc! Trong lần mưa lũ này, tòa nhà được vinh danh không phải vì độ cao mà là vì độ sâu rộng trong ngập úng! Đoạn đường đi qua tòa nhà bỗng trở thành một nỗi ám ảnh cho các phương tiện trong mấy ngày bão. Sau trận mưa, người ta dự tính cần nhiều nghìn tỷ đồng để nâng cấp thoát nước Thủ đô. Nhưng với bất cập như hiện nay, dù có nhiều nghìn tỷ đồng đổ vào, thì sự hết ngập úng Thủ đô, thực chưa biết đến bao giờ?


Thật đúng là thiên nhiên rất đáng sợ, ứng phó với nó không giản đơn. Nhưng, con người còn đáng sợ hơn khi tạo ra nhưng sản phẩm bị động, không ứng phó kịp được với thiên nhiên!

 

Ngô Đồng