Bên lề Quốc hội, đại biểu Khúc Thị Duyền (ảnh), Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Bình đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
Bên lề Quốc hội, đại biểu Khúc Thị Duyền (ảnh), Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Bình đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).
´Một trong những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình là điều chỉnh độ tuổi kết hôn, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi thời điểm này là phù hợp. Luật hiện hành quy định nam 20 tuổi và nữ 18 tuổi mới được kết hôn nhưng trong thực tế vừa qua khi thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Do đó, dự thảo lần này sửa đổi độ tuổi kết hôn quy định nam đủ 18 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Việc sửa độ tuổi kết hôn hoàn toàn phù hợp với văn bản hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay và phù hợp về bình đẳng giới. Việt Nam là một trong những nước thực hiện công ước quốc tế, hiện có 187 nước tham gia công ước này và điều này thể hiện quan điểm, tránh định kiến trong việc đánh giá giới này hơn, giới kia hơn.
Điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của chúng ta cũng cho phép phát triển về thể chất lẫn tinh thần của nam và nữ, nên độ tuổi kết hôn như vậy phù hợp.
´Đang có nhiều ý kiến khác nhau về mang thai hộ, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Vấn đề trong mang thai hộ mang tính chất nhân đạo. Tôi hoàn toàn ủng hộ bởi trong thực tế hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, không có điều kiện để sinh con. Số lượng cặp vợ chồng tình trạng này khoảng từ 700.000 đến 1 triệu. Đây là số lượng không phải ít và nhu cầu có con của các cặp vợ chồng là hoàn toàn chính đáng. Hiện nay trong thực tế đang diễn ra có nhiều cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Nếu chúng ta không quy định trong pháp luật thì việc đăng ký khai sinh, khai hộ tịch hộ khẩu và quản lý con người cũng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, mang thai hộ chúng ta không quy định chặt chẽ trong luật dễ dẫn đến tính chất thương mại trong mang thai hộ. Chúng ta quy định trong luật để đảm bảo sự chặt chẽ hơn vì trong thực tế cuộc sống đang diễn ra sự việc này. Chúng ta cũng tránh tình trạng rủi ro đối với người mang thai hộ. Có những người lúc đầu là nhân đạo nhưng về sau thành thương mại hoặc có trường hợp thách đố như cư xử không tốt thì không trả lại con cho người nhờ mang thai hộ.
Dù việc mang thai hộ cũng có ý kiến không đồng tình nhưng thực tế trong xã hội đang diễn ra thì chúng ta cũng cần phải có văn bản luật điều chỉnh phù hợp hơn.
Xin cảm ơn bà!
Xuân Minh (thực hiện)