07:06 01/07/2015

Ukraine ngừng mua khí đốt của Nga

Ukraine thông báo sẽ ngay lập tức ngừng mua khí đốt của Nga sau khi cuộc đàm phán về giá khí đốt do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đổ vỡ.

Ngày 30/6, Ukraine thông báo sẽ ngay lập tức ngừng mua khí đốt của Nga sau khi cuộc đàm phán về giá khí đốt do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đổ vỡ.

Công nhân kiểm tra thiết bị tại cơ sở chứa khí đốt gần Striy, bên ngoài Lviv ngày 25/8. Ảnh: AFP


Công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt của Nga tới các khách hàng ở châu Âu. Công ty này ra tuyên bố cho hay: "Vì thỏa thuận bổ sung giữa Naftogaz và Gazprom sẽ hết hiệu lực trong ngày 30/6 và các điều khoản về cung cấp thêm khí đốt của Nga cho Ukraine đã không được nhất trí tại cuộc đàm phán 3 bên ở Vienna, Naftogaz sẽ ngừng mua khí đốt từ công ty Nga".

Phản ứng lại thông tin này, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak chỉ trích quyết định trên của Ukraine là mang tính chính trị. Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 năm nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga ngừng chảy sang nước láng giềng thân Phương Tây này.

Trong một diễn biến khác, cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine ngày 30/6 dẫn lời Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Vitaly Kovalchuk thông báo trong dự thảo sửa đổi hiến pháp nước này không quy định quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass (miền Đông Ukraine).

Ông Kovalchuk được dẫn lời nói: "Tôi nhấn mạnh không có quy chế đặc biệt cho các vùng lãnh thổ này (miền Đông) trong dự thảo hiến pháp. Trong bản trình tổng thống xem xét, các quy định chuyển tiếp chỉ đề cập tới trình tự tự quản địa phương tại một số khu vực nhất định thuộc tỉnh Donetsk và Lugansk theo pháp luật. Đây là đề nghị của Ủy ban Venice. Tôi muốn lưu ý rằng luật đó - về chính quyền tự trị - đã có hiệu lực, và dự thảo hiến pháp không quy định các điểm mới nào".

Theo ông Kovalchuk, Ủy ban soạn thảo hiến pháp đã phê chuẩn nội dung hiến pháp sửa đổi, với sự chấp thuận của Ủy ban Venice. Việc áp dụng những thay đổi về phân quyền trong hiến pháp sẽ dẫn tới sửa đổi khoảng 500 văn bản pháp lý và những thay đổi tiếp theo trong lĩnh vực pháp lý, quyền và tự do của con người.

Sửa đổi Hiến pháp Ukraine là một trong các điều kiện của thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết tình hình ở Donbass. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Groisman cho biết sẽ chỉ thảo luận sửa đổi hiến pháp với các đại diện của Donbass được bầu ra một cách hợp pháp.


TN (Theo AFP/Reuters)