05:23 15/05/2014

Ukraine đối thoại bàn tròn không có “miền Đông”

Chính phủ lâm thời Ukraine ngày 14/5 đã tổ chức đối thoại bàn tròn đoàn kết dân tộc với sự tham gia của mọi thành phần, trừ lực lượng biểu tình ở miền đông.

Chính phủ lâm thời Ukraine ngày 14/5 đã tổ chức đối thoại bàn tròn đoàn kết dân tộc với sự tham gia của mọi thành phần, trừ lực lượng biểu tình ở miền đông. Đối thoại diễn ra sau khi 7 binh sĩ Ukraine bị thiệt mạng dưới tay người biểu tình miền đông trong một ngày đẫm máu nhất từ đầu chiến dịch “chống khủng bố”.


Cuộc họp diễn ra lúc 20 giờ 30 (giờ Việt Nam) gồm các quan chức chính phủ lâm thời, nghị sĩ, lãnh đạo chính phủ và ứng cử viên tranh cử tổng thống Ukraine vào ngày 25/5 tới. Chương trình nghị sự của đối thoại bàn tròn lần này gồm 5 vấn đề cải cách hiến pháp, phân cấp chính quyền trung ương, đấu tranh chống tham nhũng, chính sách kinh tế và vấn đề xã hội.

 

Binh sĩ Ukraine tại một chốt kiểm soát gần thành phố Slavyansk ngày 13/5/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine trong một tuyên bố ngày 14/5 khẳng định giới lãnh đạo Ukraine cởi mở đối với đối thoại đoàn kết dân tộc toàn diện. Lý giải về việc người biểu tình miền đông mà chính phủ lâm thời Ukraine coi là “khủng bố” không được tham gia đối thoại, phát ngôn viên này cho biết không thể mời cả “khủng bố” tham gia khi mà họ muốn phá hủy không chỉ sự đoàn kết dân tộc mà còn cả sự toàn vẹn của Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Nga, ông Sergei Naryshkin, trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 14/5 trên đài truyền hình Rossiya-24 cho rằng tổng thống Ukraine được bầu ra trong cuộc bầu cử ngày 15/5 tới sẽ không hoàn toàn hợp pháp. Ông Naryshkin nhắc lại quan điểm của Nga rằng chính phủ lâm thời hiện nay ở Ukraine là bất hợp pháp.


Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định đối thoại tại Ukraine mang lại triển vọng tốt để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Bà Merkel cho rằng càng nhiều đại diện tham gia đối thoại càng tốt, tuy nhiên bà nói thêm rằng đối thoại không có chỗ cho những người ủng hộ bạo lực. Đối thoại bàn tròn do các lãnh đạo châu Âu kêu gọi tổ chức theo lộ trình mà Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) vạch ra, theo đó gồm các bước kiềm chế bạo lực, giải giáp vũ khí, đối thoại quốc gia và bầu cử.


Trong khi đó, dù ủng hộ lộ trình của OSCE nhưng Nga đã cáo buộc chính phủ lâm thời Ukraine từ chối đối thoại thực sự với người biểu tình miền Đông. Nga yêu cầu Ukraine ngừng chiến dịch quân sự nếu người biểu tình tuân theo sáng kiến hòa bình và khẳng định rằng đàm phán về quyền của các khu vực ở Ukraine phải diễn ra trước khi tổ chức bầu cử tổng thống. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 14/5 cũng cho rằng Ukraine đang đứng bên bờ vực nội chiến - tình trạng khiến Kiev khó có thể tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng.


Trước cuộc đối thoại bàn tròn một ngày, ngày 13/5, quân đội Ukraine đã trải qua một ngày đẫm máu nhất kể từ khi thực hiện chiến dịch “chống khủng bố” ở miền Đông. Người biểu tình ở thành phố Slavyansk và Kramatorsk đã phục kích tấn công một đoàn xe quân sự của quân Ukraine và tiêu diệt 7 binh sĩ, làm bị thương 9 người, đồng thời phá hủy toàn bộ trang thiết bị.


Thùy Dương