09:17 30/09/2014

Ukraine có nguy cơ vỡ nợ

Nga có thể sẽ yêu cầu Kiev thanh toán trước hạn khoản nợ 3 tỷ USD mà Moskva đã cho vay dưới dạng đầu tư vào trái phiếu nhà nước Ukraine phát hành tại châu Âu. Khi bị thúc ép, Ukraine có thể tìm mọi cách để từ chối nghĩa vụ hoặc tuyên bố vỡ nợ.

Theo "Báo Độc lập" (Nga), tháng 11 tới, Nga có thể sẽ yêu cầu Ukraine thanh toán trước hạn khoản nợ 3 tỷ USD mà Nga đã cho vay dưới dạng đầu tư vào trái phiếu nhà nước của Ukraine phát hành tại châu Âu.

Người dân đợi nhận hàng cứu trợ nhân đạo của Nga tại Khartsyzk gần Donetsk, miền đông Ukraine ngày 18/9. Ảnh: AFP-TTXVN.


Ngày 26/9, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Sulianov đã đề cập đến khả năng này tại một cuộc họp của chính phủ. Ông Sulianov cho biết nếu nợ công của Ukraine vượt quá ngưỡng 60% GDP thì Moskva sẽ có lý do yêu cầu Kiev thanh toán nợ trước hạn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định động thái này của Nga sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp bởi khi bị thúc ép, Ukraine có thể tìm mọi cách để từ chối nghĩa vụ hoặc sẽ tuyên bố vỡ nợ. Trong trường hợp này cả Ukraine lẫn các nhà cho vay tài chính đều không có lợi.

Năm 2013, giữa Moskva và Kiev (dưới thời cựu Tổng thống Yanukovych) đã đạt được thỏa thuận về việc Nga cho Ukraine vay 15 tỷ USD dưới hình thức Nga mua lại trái phiếu nhà nước của Ukraine phát hành tại châu Âu. Trong một tuyên bố đưa ra khi đó, Tổng thống Putin nói rõ rằng vì tính tới các khó khăn mà nền kinh tế Ukraine đang gặp phải do hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu và với mục đích trợ giúp ngân sách của Ukraine, chính phủ Nga quyết định trích từ Quỹ an sinh quốc gia 15 tỷ USD để mua lại trái phiếu của chính phủ Ukraine.

Sau khi thỏa thuận này được ký, Nga đã cấp cho Ukraine khoản vay đầu tiên trị giá 3 tỷ USD với thời hạn thanh toán vào năm 2015 và mức lợi tức 5%/năm. Sau đó, do Ukraine lâm vào khủng hoảng chính trị dẫn tới việc thay đổi chính quyền nên thỏa thuận này bị dừng triển khai. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua Kiev vẫn thanh toán cho Moskva 73,3 triệu USD tiền lãi cổ tức như cam kết.

Theo quy định, Ukraine không được phép phát hành trái phiếu nếu nợ công vượt quá 60% GDP. Nếu để xảy ra tình trạng này, người nắm giữ trái phiếu có quyền yêu cầu Ukraine thanh toán trước hạn giá trị trái phiếu đã mua. Tại thời điểm hiện nay GDP của Ukraine đang giảm, trong khi nợ nước ngoài lại có xu hướng tăng và theo dự báo của Bộ Tài chính Nga thì nợ công của Ukraine có thể đã vượt qua mức 60% GDP.

Tuy nhiên, Nga vẫn chờ đến tháng 11 tới, khi có số liệu chính thức về tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số nợ công của Ukraine rồi mới xem xét đưa ra yêu cầu thanh toán nợ trước hạn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Nga cho biết ngay cả khi đã hội tụ đủ các điều kiện về mặt kỹ thuật để siết nợ thì giới lãnh đạo Nga cũng sẽ cân nhắc đến yếu tố chính trị để đưa ra quyết định sẽ xử lý vấn đề ra sao.

Trong khi đó, ngày 26/9, Cơ quan an ninh Ukraine tuyên bố bắt đầu điều tra vụ án hình sự liên quan đến cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine Yuri Kolobov vì nghi vấn lạm dụng chức vụ quyền hạn trong quá trình phát hành lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ USD và chuyển trái phép cho Ngân hàng VTB Capital Plc 450 nghìn USD phí phát hành trái phiếu.

Bộ trưởng Tài chính Nga cho rằng động thái này thể hiện phía Ukraine không muốn trả nợ. Ông nhấn mạnh đây có thể là chiêu trò của chính quyền Kiev nhằm kết luận khoản vay trước đây của cựu Tổng thống Yanukovych là không còn hiệu lực hoặc viện dẫn các điều kiện khác nhằm tránh phải thanh toán khoản nợ này.

Một tòa nhà bị đạn pháo phá hủy ở Lugansk, đông Ukraine. Ảnh: RIA Novosti


Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Tài chính Nga cho rằng việc Kiev hồi tháng 6 năm nay trả cho Moskva số tiền lãi cổ tức đã xác nhận khoản vay này và việc thực hiện thỏa thuận hoàn toàn phù hợp với luật pháp hai nước. Ngân hàng VTB Capital Plc được chính phủ Ukraine lựa chọn làm đại diện phát hành trái phiếu và hoạt động này lại diễn ra ở Anh chứ không phải tại Ukraine. Mọi thông tin liên quan đến giao dịch của các bên hiện vẫn được phía Anh lưu giữ.

Một số nhà quan sát kinh tế cho rằng việc khởi tố tội danh đối với cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine là một bước đi được chính trị hóa. Thỏa thuận giữa ông Putin và ông Yanukovych được ký với tư cách đại diện của hai chính quyền hợp pháp và việc chối bỏ nghĩa vụ là không thể.

Bên cạnh đó, nếu Kiev không thực hiện các trách nhiệm được thừa hưởng từ chính quyền trước đây, Moskva có quyền kiện ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Sulianov cũng có thể chỉ là một áp lực chính trị gây sức ép lên Ukraine nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thỏa thuận hòa bình ở miền Đông.

Việc dồn ép Ukraine đến bước phải tuyên bố vỡ nợ là điều không ai mong muốn, nhất là khi Nga lại đồng thời là chủ nợ lớn. Trong bối cảnh như vậy, Moskva có thể sẽ phải chấp nhận cho Ukraine giãn nợ để đổi lại một động thái tương tự từ Kiev.


TTK