12:19 05/12/2014

Uber - Tiện lợi cho người dân nhưng chưa thuận cho quản lý

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía ngành chức năng, nhưng nhiều người dân cho rằng dịch vụ taxi Uber phù hợp với “túi tiền”.

Loại hình vận tải xe Uber xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh hơn 4 tháng nay và mới xuất hiện ở Hà Nội, nhưng đang thu hút nhiều hành khách sử dụng. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía ngành chức năng, nhưng nhiều người dân cho rằng dịch vụ này phù hợp với “túi tiền”.

Cơ quan quản lý “bối rối”

Uber là loại hình dịch vụ vận tải mới được thực hiện thông qua việc cài đặt phần mềm Uber trên điện thoại smartphone để kết nối hành khách và lái xe. Dịch vụ xe Uber có nhiều loại từ 4 - 12 chỗ, không có lô gô, không đồng hồ tính tiền cước như taxi. Khi hành khách đăng ký hành trình qua điện thoại, hệ thống Uber sẽ tự động kết nối với chủ xe có đăng ký dịch vụ Uber, hiển thị thông báo các thông tin về chi phí chuyến đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón. Nếu khách hàng đồng ý, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard. Trong đó, dịch vụ Uber hưởng 20% phí, chủ xe hưởng 80%.

Mặc dù mới xuất hiện, nhưng nhiều hành khách đã lựa chọn dịch vụ này vì giá rẻ hơn taxi, thanh toán tiện lợi bằng thẻ. Anh Nguyễn Văn Dũng (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sau khi uống cà phê trên đường Lê Lợi, quận 1, anh muốn đến Bưu điện TP và đã lên mạng Uber đăng ký xe của lái xe Võ Thanh Tâm. Chỉ 8 phút sau, xe anh Tâm đã đến đón. Nhanh chóng về thời gian và thanh toán...”.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng, ở đường Giải Phóng (Hà Nội) mới biết dịch vụ vận tải này cũng cho rằng: Uber đem lại lợi ích cho người tiêu dùng về giá cả, chất lượng dịch vụ hơn hẳn taxi. Lợi thế phát triển trên nền tảng viễn thông và Internet nên Uber có thể thu hút hành khách dù nó mới xuất hiện.

Tuy nhiên, các hãng taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, xe Uber kinh doanh không bình đẳng, ảnh hưởng đến trật tự vận tải và các Hiệp hội Taxi Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh Tạ Long Hỷ nhận định: Dịch vụ Uber phát triển đồng nghĩa “nồi cơm” của các hãng taxi bị mất lợi thế, do lượng khách mất dần; trật tự vận tải hành khách bị đảo lộn. Ngoài ra, Nhà nước sẽ thất thu thuế do không thể kiểm soát được. Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Dịch vụ Uber không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế và không thể quản lý được, bởi công ty Uber nằm ở nước ngoài; việc thanh toán cũng thông qua tài khoản nước ngoài.

Ở khía cạnh khác, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Dương Hồng Thanh cho rằng: Đây là hoạt động mới phát sinh, để nhận diện và xử lý triệt để không đơn giản. Sở GTVT đang đề xuất TP kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GTVT sớm có kế hoạch liên ngành phối hợp giải quyết. Còn Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc nhận định: Dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì không có trách nhiệm bảo hiểm cho hành khách. Người tiêu dùng sẽ là bị thiệt hại đầu tiên vì không được bảo hiểm hoặc khi hành khách mang hàng quốc cấm thì lái xe khó chứng minh ngoại phạm...

Phải đăng ký kinh doanh


Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: Các đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đẩy nhanh tiếp xúc dịch vụ của mình với khách hàng, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí là tốt cho người dân. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam có thể đăng ký kinh doanh để hoạt động. Khi đăng ký rồi mới có đủ điều kiện về mặt pháp lý để cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải. Xe Uber cũng không ngoại lệ.

Thực tế, việc cung cấp dịch vụ vận tải thông qua một sàn giao dịch điện tử như hình thức Uber cũng như một số sàn điện tử khác là ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình cung ứng dịch vụ vận tải; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ của mình với mức chi phí hợp lý hơn, thời gian phù hợp hơn. Tuy nhiên, các tổ chức cá nhân muốn cung ứng dịch vụ vận tải thông qua dịch vụ Uber phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Karun Arya, Giám đốc truyền thông khối Nam Á của Uber chia sẻ: Uber không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê lái xe, mà đơn giản chỉ kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp giao thông được công nhận. Uber đảm bảo tất cả các đối tác Uber và xe của họ được kiểm tra lý lịch chặt chẽ, kỹ lưỡng. Bộ phận chăm sóc hành khách của Uber đảm bảo đồ đạc cá nhân hành khách để quên sẽ được hoàn trả. Tại 250 thành phố trên khắp thế giới, hàng triệu hành khách và lái xe đang sử dụng Uber để tham gia giao thông một cách thuận tiện, an toàn và đáng tin cậy hơn.    

“Xe Uber là loại hình kinh doanh vận tải có giá thấp hơn taxi, người dân có lợi khi sử dụng dịch vụ này. Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định trong các Nghị định, Thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hóa. Phải làm sao để thuận cho quản lý, nhưng tiện lợi cho người dân. Các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT phải làm sao để đẩy GTVT phát triển theo hướng năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cần phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng




Tiến Hiếu