07:10 18/07/2012

Tỷ phú người M'Nông trên mảnh đất anh hùng N’Trang Lơng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, ông Điểu Lộc (sinh 1950), dân tộc M’Nông, sống ở buôn Mê Ra, xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), đã phát huy tinh thần cách mạng, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng dân tộc N’Trang Lơng, ông Điểu Lộc (sinh 1950), dân tộc M’Nông, sống ở buôn Mê Ra, xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), đã phát huy tinh thần cách mạng, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh. Ông được mệnh danh là tỷ phú “chân đất” người M’Nông trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.


Hiện ông là chủ của 16 ha cao su, trong đó 9 ha trong thời kỳ cạo mủ, 3 ha cà phê kinh doanh, 1 ha cây ăn trái, 2 ha điều, 0,2 ha lúa nước với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Lộc chia sẻ: “Chính những cây trồng cố định trên mảnh đất ông cha đã cho gia đình tôi cuộc sống khấm khá hơn. Phải biết bám đất mà trồng cây”.
Năm 2001, tỉnh Đắk Nông triển khai dự án cao su tiểu điền cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tuy Đức và Đắk R’lấp, tuy nhiên đa số các hộ dân triển khai không hiệu quả. Nhưng với ông Điểu Lộc, diện tích cao su 6 ha triển khai theo dự án, cộng với 3 ha trồng sau này, đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, chỉ với diện tích 2 sào ruộng, trồng 2 vụ lúa nước, đã có thể tự cung tự cấp gạo đủ cả năm cho 7 khẩu của gia đình ông. Ngoài ra, vườn điều, cà phê cũng góp phần làm tăng thu nhập cả tỷ đồng cho gia đình ông.

 

Ông Điểu Lộc chăm sóc vườn cà phê.

 

Từ tấm gương điển hình của ông Điểu Lộc, hiện nay nhiều hộ gia đình như Điểu Huế, Điểu M’Răng, Điểu Ben… trong buôn Mê Ra đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng ông Điểu Lộc, không chỉ là người M’Nông trong buôn đã tiếp cận áp dụng khoa học kỹ thuật sớm nhất, mà còn giữ kỷ lục là hộ có thu nhập cao nhất trong xã. Ông Điểu Lộc chia sẻ: “Có được ngày hôm nay là do tôi đã học hỏi kinh nghiệm từ người ở địa phương khác làm kinh tế giỏi. Đồng thời tham gia những lớp tập huấn về cây trồng, phân bón, tìm hiểu qua sách báo… Việc chọn con giống, chăm sóc, bón phân, phun thuốc… đến thu hoạch luôn phải theo các quy tắc nhất định để cho cây trồng mang lại hiệu quả và năng suất cao. Với nhưng gì đã đúc kết được, tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong buôn áp dụng để cùng làm giàu”. Ông Điểu Lộc còn biết tận dụng những khoảng trống trong 12 ha cao su cho những hộ dân nghèo thuê trồng khoai. Luôn biết cách tận dụng khoảng trống trong vườn cao su để trồng mì, khoai, bắp, đậu… để lấy ngắn nuôi dài tăng thu nhập.


Ông Điểu B’lế, Phó Chủ tịch xã Đắk R’tih nhận định: “Ông Điểu Lộc xứng đáng là tấm gương làm giàu cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số noi theo. Với việc biết bám đất, bám vườn, nắm bắt áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông xứng đáng là người được tôn vinh vì góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lượt cho người dân tại buôn, giúp đỡ bà con trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn”.


Năm 2012, ông Điểu Lộc đã được Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông công nhận là một trong 18.900 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững trong người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

 

Bài và ảnh: K’ Gửi H