Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Nhiều điểm mới sẽ được quyết định vào ngày 14/2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, những điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012 sẽ được Bộ quyết định chính thức tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ được tổ chức vào ngày 14/2. Tuy nhiên, thời điểm này nhiều nội dung mới liên quan đến tuyển sinh như: Thêm khối thi, thống nhất mã ngành đăng ký, không phát hành cuốn “Những điều cần biết”, không khống chế nguyện vọng… đã được dư luận hết sức quan tâm.

Thống nhất mã ngành đào tạo

Thông tin này đã được Bộ GD - ĐT xác nhận chính thức tại tại thông tư 14/2010/TT-BGDĐT (“Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ CĐ, ĐH”). Đây là quy định bắt buộc của Bộ GD - ĐT đối với các trường ĐH, CĐ cho kỳ tuyển sinh 2012. Mã ngành mới cho trình độ ĐH, CĐ sẽ thống nhất gồm 1 ký tự và 6 chữ số.
Mã ngành ĐH trước đây gồm 3 chữ số, mã ngành CĐ thường gồm 2 chữ số kèm ký tự C ở đầu. Quy định mới yêu cầu mã ngành trình độ ĐH gồm ký tự D và 6 chữ số, mã ngành CĐ gồm ký tự C và 6 chữ số. Trước đây, mã ngành chỉ là quy ước chung, các trường khác nhau cùng đào tạo một ngành có thể chọn các mã khác nhau. Nhưng từ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, các ngành đào tạo giống nhau ở tất cả các trường sẽ phải đăng ký thống nhất chung một mã ngành.

Thí sinh thi môn văn tại Hội đồng thi ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (năm 2011). Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Lý giải về sự thay đổi này, một chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH và sau ĐH cho biết, trước đây việc thống nhất mã ngành chỉ gồm 2 – 3 chữ số và chưa có sự thống nhất giữa các trường. Vì thế, có tình trạng một mã ngành được dùng cho nhiều ngành khác nhau ở các trường hoặc cùng một ngành lại có nhiều mã ngành khác nhau. Từ năm 2012, các trường đăng ký thông tin tuyển sinh phải chuyển đổi và đăng ký theo mã ngành mới, mã ngành này thống nhất trên toàn quốc. Mã ngành đào tạo của các trường sẽ bắt đầu bằng 1 ký tự (ký tự D với trình độ ĐH và ký tự C với trình độ CĐ), kèm theo 6 chữ số. Các ngành giống nhau ở các trường sẽ chung tên ngành và mã ngành.

Không in cuốn “Những điều cần biết”

Về những điều cần điều chỉnh trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, Bộ GD-ĐT dự kiến việc không in cuốn “Những điều cần biết”. Thay vào đó, các trường sẽ trực tiếp cung cấp thông tin tuyển sinh và chủ động thực hiện. Những thông tin của các trường sẽ được Bộ cập nhật qua trang web của Bộ. Đây là một trong những nội dung sẽ được bàn tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ được tổ chức vào ngày 14/2 tới.

Tuy nhiên, xung quanh thông tin này, nhiều ý kiến lo ngại việc không in cuốn “những điều cần biết” sẽ phát sinh nhiều bất cập, đặc biệt đối với các Sở GD - ĐT, nơi tiếp nhận hồ sơ của thí sinh. Cuốn “Những điều cần biết” được xem là tài liệu cần thiết cho mỗi thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm. Mọi thông tin về trường học, ngành học, chỉ tiêu tuyển sinh, học phí, số điện thoại… đều được cập nhật.

Theo bà Bích Hương, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD - ĐT Tuyên Quang, đối với những học sinh ở thành phố thì việc cập nhật thông tin tuyển sinh qua Internet khá thuận lợi nhưng với học sinh miền núi lại khá khó khăn. Trong khi việc định hướng trường học, ngành học vẫn chưa được tốt, cuốn “Những điều cần biết” rất có ích cho mỗi học sinh.

Chị Vân Anh, cán bộ thu nhận hồ sơ, phòng GD - ĐT quận Đống Đa, Hà Nội còn cho biết, cuốn “Những điều cần biết” là căn cứ để cán bộ thu nhận hồ sơ nhìn vào đó để đối chiếu với hồ sơ của học sinh nộp về mã trường, mã ngành, vùng tuyển… Nếu không có là một bất hợp lý.

Có khả năng thêm khối A1

Theo đề xuất của Bộ Thông tin - truyền thông cần thêm khối thi gồm các môn toán, vật lý, ngoại ngữ để tuyển sinh cho ngành Công nghệ thông tin, kỳ tuyển sinh năm 2012 Bộ GD - ĐT dự kiến bổ sung khối A1. Trao đổi với Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc tuyển sinh khối A1 sẽ được bàn và quyết định tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ. Hội nghị này sẽ thảo luận kỹ về việc có cần thiết bổ sung khối A1 không? Thí sinh dự thi khối A1 sẽ thi đợt 1 cả ba môn, trong đó đề ngoại ngữ được ra riêng cho khối thi này hoặc thí sinh có thể thi hai môn toán, lý khối A và thi thêm môn ngoại ngữ (khối D, đợt 2). Môn ngoại ngữ của khối A1 là tiếng Anh nên những thí sinh có năng lực ở các môn ngoại ngữ khác sẽ không có cơ hội dự thi khối này nếu Bộ chính thức quyết định. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thêm khối A1 nên thi cùng đợt thi với khối A, riêng đề thi môn tiếng Anh sẽ được ra riêng.

Theo ghi nhận, một số trường như ĐH Ngoại Thương, ĐH Quốc Gia Hà Nội… đều chưa thể khẳng định sẽ thêm khối A1. Tuy nhiên, các trường cũng đã sẵn sàng với phương án thêm khối nếu Bộ GD – ĐT quyết định thêm khối thi này.

Không khống chế số đợt xét tuyển

Một trong những điểm mới được đề cập đến là việc sẽ không còn ba đợt tuyển sinh theo các nguyện vọng (NV) 1, 2, 3 như trước đây. Thay vào đó, các trường căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển nhiều đợt khác nhau cho đến khi đủ chỉ tiêu. Việc xét tuyển này kéo dài đến hết ngày 31/12.

Điểm có lợi đối với thí sinh trong việc thay đổi này là các trường có thể xây dựng một điểm chuẩn duy nhất áp dụng cho tất cả các đợt xét tuyển, không có tình trạng điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước. Tuy nhiên, quy định này cũng cần phải bàn thảo bởi nhiều trường lo không kiểm soát được chất lượng thí sinh. Còn theo lãnh đạo Bộ GD – ĐT, chỉ khi thí sinh không đủ điểm đậu NV1, trường tổ chức thi mới phát phiếu chứng nhận kết quả thi để thí sinh photo thành nhiều bản, đăng ký xét tuyển ở tất cả các trường khác mà điểm thi của thí sinh bằng hoặc hơn điểm xét tuyển NV2 của các trường đó.

Hội nghị tuyển sinh được tổ chức hàng năm vào khoảng tháng 1 nay đã được đổi tên thành Hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và được tổ chức muộn hơn khoảng 1 tháng. Ngoài những dự kiến điều chỉnh được nêu trên, Hội nghị còn dự kiến sẽ bàn về vấn đề tự chủ của một số trường ĐH có đủ điều kiện tuyển sinh như: Hai ĐH Quốc gia, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương... Trước đó, Bộ GD - ĐT giao quyền cho các trường lên phương án tuyển sinh riêng để nộp về Bộ. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga, sau hạn nộp phương án tuyển sinh nhưng chưa có trường nào gửi về Bộ. Do vậy, năm 2012 vẫn thực hiện việc tuyển sinh như năm trước, vẫn giữ theo phương án “3 chung” (chung đợt, chung đề và chung khối thi). Những thay đổi trong việc tuyển sinh nhằm để tổ chức được một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và gọn nhẹ.

Lê Vân (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN