Tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong xét tuyển ĐH, CĐ

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước vẫn đang tiến hành xét tuyển đại học, cao đẳng đợt thứ 4. Công tác tuyển sinh đại học sẽ kết thúc vào 20/10; tuyển sinh cao đẳng sẽ kết thúc vào 21/11 tới.


Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường Đại học Y khoa Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tuy là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nhưng kỳ thi đã cho thấy những thành công cơ bản, tạo tiền đề quan trọng để đổi mới giáo dục đào tạo dù bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại về phương diện kỹ thuật, chủ yếu ở khâu xét tuyển sinh đợt 1...

Tác động tích cực đến xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã có tác động tích cực đến xã hội như giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội khi chi phí từ 4 đợt thi chỉ còn 1 đợt, từ thi 9 ngày sang thi tối đa 4 ngày, thay cho việc di chuyển tới các thành phố lớn thì thí sinh được thi ngay tại địa phương hoặc sang các tỉnh lân cận…

Việc tổ chức đồng thời cụm thi tại tỉnh và cụm thi liên tỉnh đáp ứng mục đích dự thi của thí sinh đã góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp của học sinh sau trung học phổ thông.

Thực tế những năm trước, khi tổ chức 2 kỳ thi riêng thì hầu hết thí sinh đều đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, một số dự thi nhiều đợt tạo ra số lượng lớn thí sinh “ảo” gây khó khăn và lãng phí cho công tác thi tuyển sinh.

Kỳ thi cũng tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá khi đề thi được ra theo hướng mở, câu hỏi vận dụng gắn với thực tiễn đời sống, câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực… Đây là tiền đề để xây dựng và và thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc đổi mới cách ra đề thi cũng góp phần tạo bình đẳng trong giáo dục, thí sinh vùng sâu, vùng xa không được “luyện thi” vẫn làm được bài.

Việc tổ chức “thi trước, tuyển sau” cũng góp phần giúp thí sinh đặc biệt là thí sinh vùng sâu vùng xa tự tin lựa chọn trường phù hợp mức điểm của mình, không vì tâm lý lo lắng trước kỳ thi mà không dám đăng ký trường tốp trên. Trên cơ sở đó, các trường đại học cũng có sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút học sinh giỏi, tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở mọi vùng miền.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, đánh giá về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, kỳ thi cơ bản đã thành công, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế như công tác truyền thông chưa được chú trọng; việc chỉ đạo hướng dẫn xét tuyển trong đợt 1 còn lúng túng, chưa chặt chẽ; đồng thời yêu cầu cần rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, nghiêm túc nhìn nhận sơ suất để năm sau làm tốt hơn.

Nhiều ngành khó tuyển vẫn đủ chỉ tiêu

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15/9, các trường đại học, cao đẳng đã xét trúng tuyển được 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra. Trong đó hệ đại học đã tuyển được 97,6% chỉ tiêu; hệ cao đẳng đã tuyển được 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định.

Kết quả trên đã nhiều hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 ngàn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu). Điều đó cho thấy việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh đăng ký xét tuyển và tạo điều kiện cho các trường dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh.

Theo kết quả xét tuyển, khối ngành công an, quân đội, y dược, luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính – ngân hàng. Nhóm ngành Nông – lâm – ngư và công nghệ khó tuyển hơn.

Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển này vẫn có những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… có kết quả trúng tuyển cao như đại học Nông nghiệp, đại học Nông lâm Bắc Giang, đại học Lâm nghiệp...

Tất cả các nhóm trường đại học, cao đẳng đều có những trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1, một số trường đại học ngoài công lập cũng tuyển được tỷ lệ khá cao trong đợt 1.

Kết quả tuyển sinh trên phản ánh đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo sự phân tầng chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng; không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trình độ đại học hay cao đẳng.

Ở tất cả các nhóm trường như đại học trọng điểm, đại học tốp giữa, đại học ngoài công lập, cao đẳng… đều có những trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Các trường tốp đầu có điểm trúng tuyển ở mức cao. Như vậy, nếu thí sinh xác định được trường phù hợp với điểm thi, với sức học của mình thì sẽ không có tình trạng thí sinh điểm cao trượt trong khi thí sinh điểm thấp lại trúng tuyển.


Tiếp tục hoàn thiện phương án thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng cho những năm tới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, do vậy vẫn còn tồn tại một số yếu kém về phương diện kỹ thuật, chủ yếu là khâu xét tuyển đợt 1.

Trong đó, công tác truyền thông chưa tốt khiến thí sinh, gia đình, nhà trường nhất là vùng sâu vùng xa chưa hiểu biết quy định mới về tuyển sinh nên việc đăng ký dự tuyển, xét tuyển còn sai sót.

Nhiều thí sinh chưa hiểu rõ những ưu điểm, thuận lợi của phương thức đăng ký xét tuyển và thay đổi đăng ký xét tuyển ở trường phổ thông và các sở nên xảy ra hiện tượng thí sinh và người nhà đến trực tiếp các trường đại học, cao đẳng để rút, nộp hồ sơ, gây tốn kém, bức xúc cho xã hội. Ngoài ra, do lần đầu tiên tổ chức nên việc ấn định thời gian xét tuyển, thời gian thay đổi nguyện vọng chưa hợp lý.

Ngoài ra, việc một số trường tốp trên quy định điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển quá thấp dẫn đến lượng thí sinh nộp hồ sơ lớn, gây xáo trộn do thí sinh phải rút, nộp hồ sơ trong những ngày cuối. Tuy sự việc chỉ xảy ra ở khoảng 30 trường trên tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng và số thí sinh thay đổi đăng ký xét tuyển cũng chỉ chiếm 8,7% số thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng vẫn gây hình ảnh không tốt đối với dư luận.

“Cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung trong khi việc xét tuyển lại diễn ra ở các trường dẫn đến sự bất cập cho cả nhà trường lẫn thí sinh khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây là lý do dẫn đến việc một số trường cho rằng Bộ “ôm đồm” và hạn chế quyền tự chủ tuyển sinh của các trường”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ.

Vì vậy, ngay trong quá trình xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án xử lý kịp thời như tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ đạo các Sở giúp thí sinh cập nhật thông tin, lập đường dây nóng và tổ công tác để giải đáp thắc mắc và sẽ duy trì công tác tư vấn này trong các đợt xét tuyển bổ sung.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng cho những năm tiếp theo trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.

TTXVN/Tin Tức
Nhiều trường đại học vẫn còn chỉ tiêu
Nhiều trường đại học vẫn còn chỉ tiêu

Kết thúc ngày 7/9, ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng 2, nhiều trường đã tuyển đủ sinh viên, nhưng cũng nhiều trường vẫn còn chỉ tiêu. Đặc biệt, từ đợt xét tuyển này, vấn đề thí sinh ảo cũng khiến các trường lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN