Sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia 2016

Mỗi điểm thi sẽ được bố trí 1 điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi. Mọi liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông t ư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26/2/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, tại Điều 5, Cụm thi được sửa đổi, bổ sung như sau: Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức: Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở giáo dục và đào tạo và với trường đại học, cao đẳng khác tổ chức (sau đây gọi là cụm thi đại học); Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với trường đại học tổ chức (sau đây gọi là cụm thi tốt nghiệp). Tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi đại học tại địa phương.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Ảnh: Quý Trung-TTXVN

Về Hội đồng thi, Quy chế sửa đổi về thành phần Hội đồng thi. Cụ thể, Phó Chủ tịch: Lãnh đạo trường đại học, cao đẳng chủ trì cụm thi hoặc tham gia cụm thi, lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo. Trường hợp không đủ lãnh đạo trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo để đảm nhiệm chức danh này thì Phó Chủ tịch có thể là lãnh đạo phòng, ban, khoa, trung tâm của trường đại học chủ trì cụm thi; lãnh đạo phòng, ban của sở giáo dục và đào tạo.

Việc sử dụng công nghệ thông tin trong kì thi được bổ sung và quy định chặt chẽ hơn để tránh những tiêu cực có thể xảy ra. Cụ thể, bố trí tại mỗi Điểm thi 1 điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi; ở những Điểm thi không thể bố trí được điện thoại cố định thì bố trí 1 điện thoại kéo dài hoặc điện thoại di động đặt cố định tại phòng trực của Điểm thi. Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai. Trong trường hợp cần thiết, có thể bố trí máy tính tại phòng trực của Điểm thi và đảm bảo máy tính chỉ được nối mạng khi chuyển báo cáo nhanh cho Hội đồng thi. Trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo không được mang và sử dụng các thiết bị thu, phát thông tin.

Điều 11 “Quản lý và sử dụng dữ liệu thi” được sửa đổi, bổ sung như sau: Các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi. Bộ chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở giáo dục và đào tạo sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.

Khoản 5 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: Thời gian nộp Phiếu đăng ký dự thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi hết hạn nộp Phiếu đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày thi mới có giá trị.

Liên quan đến công tác coi thi, chấm thi cũng có một số sửa đổi. Về Ban coi thi bổ sung thêm thành phần và sửa đổi một số quy định để chặt chẽ. Cụ thể tại Điểm đ, Điều 20 của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia được bổ sung, sửa đổi thành phần có trong Ban Coi thi là cán bộ giám sát, trật tự viên, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ, công an (nơi cần thiết có thể thêm một số kiểm soát viên quân sự); Chủ tịch Hội đồng thi căn cứ số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại cụm và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để quyết định thành lập các Điểm thi đặt tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi.

Mỗi Điểm thi có Trưởng Điểm thi và có thể có các Phó trưởng Điểm thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định để điều hành toàn bộ công tác coi thi tại Điểm thi được giao phụ trách. Cán bộ Ban Coi thi không được làm nhiệm vụ tại Điểm thi có người thân dự thi. Phó trưởng Ban Coi thi, Trưởng Điểm thi thực hiện các công việc theo sự phân công của Trưởng Ban Coi thi; Phó trưởng Điểm thi thực hiện các công việc theo sự phân công của Trưởng Điểm thi.

Trưởng Điểm thi bố trí cán bộ giám sát phòng thi; đảm bảo mỗi cán bộ giám sát không nhiều hơn 07 phòng thi. Cán bộ giám sát thi có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ coi thi, các thành viên khác tại khu vực được phân công; giám sát thí sinh được cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi.

Phòng và thiết bị chứa bài thi, tủ và thùng đựng bài thi phải được niêm phong và khoá; chìa khóa do Trưởng Ban Thư ký giữ; khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và ủy viên Ban Thư ký Hội đồng thi.

Về Ban chấm thi bổ sung, sửa đổi: Phó trưởng Ban: Lãnh đạo trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo hoặc lãnh đạo phòng, ban, trung tâm của trường đại hoc, cao đẳng; lãnh đạo các phòng, ban thuộc sở giáo dục và đào tạo và lãnh đạo các trường phổ thông; trong đó, Phó trưởng Ban thường trực là lãnh đạo đơn vị chủ trì cụm thi hoặc trưởng các phòng, ban thuộc trường đại học và sở giáo dục và đào tạo chủ trì cụm thi. Các uỷ viên gồm Trưởng môn chấm thi và cán bộ chấm thi là cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng và cán bộ, giáo viên Trung học phổ thông. Mỗi môn thi phải có ít nhất 03 cán bộ chấm thi.

Cán bộ chấm thi phải là người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công chấm. Những giảng viên, giáo viên đang trong thời kỳ tập sự và thành viên Ban Thư ký, Ban làm phách của Hội đồng thi không được chấm thi.

Về môn thi trắc nghiệm, Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban Thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (theo mẫu thống nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở giáo dục và đào tạo nơi thí sinh đăng ký dự thi. Mỗi thí sinh được cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.

Theo quy chế sửa đổi, bổ sung, kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý như sau: Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận; Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng Ban Phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác.

Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng Ban Phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.

Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định.

Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được Trưởng Ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi ký duyệt.

Điểm các bài thi được điều chỉnh sau phúc khảo do Trưởng Ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi quyết định và cập nhật điểm của thí sinh sau phúc khảo vào hệ thống phần mềm quản lý thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ tịch Hội đồng thi báo cáo, gửi dữ liệu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời công bố và trả kết quả phúc khảo cho thí sinh.

Ngoài ra một số nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm cũng được bổ sung, sửa đổi tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2016.

TTXVN/Tin Tức
Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Lo ngại tính công   bằng
Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Lo ngại tính công bằng

Mùa tuyển sinh đại học năm 2016 đánh dấu điểm mới trong phương án tuyển sinh của các trường đại học. Nổi bật vẫn là hai phương án: xét tuyển thẳng của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN