Giao quyền tự chủ cho các trường đại học

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ, diễn ra sáng 22/10, tại Hà Nội; lãnh đạo các ĐH và ĐH vùng, Sở GD - ĐT đều đồng loạt lên tiếng xung quanh vấn đề tuyển sinh năm 2015 và đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo trao nhiều quyền tự chủ hơn nữa cho trường trong mùa tuyển sinh 2016. Thực tế, đây cũng chủ trương của Bộ GD - ĐT trong mùa tuyển sinh tới.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời gian tới, cần có những cuộc làm việc nghiêm túc, bàn từng vấn đề: Thi cử, tự chủ đại học, phân tầng xếp hạng... với sự tham gia của các bộ, ban, ngành có liên quan, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội và những người trực tiếp làm công tác này.

“Tự chủ đại học là xu thế chung của thế giới. Vừa qua, sau nhiều tranh luận về tự chủ đại học, Chính phủ đã đồng ý cho 12 trường thí điểm tự chủ, tới đây sẽ tiếp tục cho nhiều trường thực hiện tự chủ. Tôi mong rằng các trường nên thực hiện tự chủ, vì đây là quyền lợi của các trường. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất định giáo dục ĐH Việt Nam không đứng ngoài xu thế cả về hệ thống, khung chương trình... Đây có câu chuyện phân tầng xếp hạng để định vị mỗi trường đang ở đâu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục ĐH Việt Nam có đặc thù nhưng phải lấy xu thế thế giới là chính”, Phó Thủ tướng đánh giá.

“Nên có một có một cuộc họp riêng về vấn đề tuyển sinh. Hiện tại chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng cần khẳng định với nhân dân: Nhất định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những cái được năm nay, khắc phục những cái chưa được, để có một kỳ thi công bằng, trung thực, nghiêm túc. Đặc biệt, kỳ thi phải tách rời thi riêng, tuyển sinh riêng. Tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ ĐH. Các ĐH phải nâng cao quyền tự chủ của mình. Bộ GD - ĐT chỉ đưa ra những quy định tối cần thiết, đảm bảo công bằng cho học sinh, tôn trọng quyền tự chủ của các trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.



Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015, theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường. Cụ thể, Bộ GD - ĐT sẽ nghiên cứu việc cho phép các trường ĐH, CĐ tự chủ xét tuyển. Bộ sẽ không cấp giấy báo điểm, làm thủ tục xét tuyển (năm 2015 quy định cấp 4 giấy báo điểm và sử dụng phần mềm quản lý chung). Các cơ sở đào tạo có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian đăng ký xét tuyển. Nhóm 30 trường ĐH có sức hút thí sinh nhất năm 2015 có thể phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào các nhóm trường này, qua đó giảm thí sinh ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường”.

Phương án Bộ GD - ĐT đưa ra là sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh. Bộ GD - ĐT chỉ quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh, quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Bộ GD - ĐT có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở những mức điểm của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp, mỗi đợt xét tuyển từ 5 - 7 ngày.

Về phía địa phương, dù đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2015 có những thành công cơ bản, nhưng ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD - ĐT Cần Thơ cho rằng, vẫn còn một số áp lực. Để giải quyết những áp lực này trong năm 2016, với cụm thi do các Sở tổ chức, Bộ nên giao hẳn cho tỉnh chịu trách nhiệm.

Ông Lê Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải cho rằng, cần tăng quyền tự chủ cho các trường. Các trường tự xác định phương án xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sau đó sẽ báo cáo kết quả lên Bộ GD - ĐT.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Cần điều chỉnh việc xét đánh giá tốt nghiệp THPT cho học sinh theo hướng: Đánh giá năng lực học tập của học sinh theo học bạ nên tăng lên từ 70 - 75%, chỉ xét 20 - 25% bằng điểm thi, như vậy sẽ khoa học hơn, tránh gây áp lực cho thí sinh, áp lực cho người ra đề thi, đặc biệt là có sự phân loại tốt hơn. Đồng thời, Bộ GD - ĐT nghiên cứu lại quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

“Cần giao quyền tự chủ cho các trường, tiếp tục tạo thuận lợi cho thí sinh, Bộ GD - ĐT chỉ đứng ở vai trò quản lý, điều phối bằng chia sẻ dữ liệu thí sinh cho các trường. Cụ thể, sau khi thi xong Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường xét từng đợt. Trong đó, thời gian xét tuyển từng đợt cần rút gọn xuống còn 12 - 13 ngày, thí sinh được cấp 3 giấy báo, mỗi đợt nộp 1 trường hoặc tối đa 2 nguyện vọng, sau mỗi đợt công bố kết quả, thí sinh sẽ quyết định nhập học trường nào bằng 1 tờ giấy nhập học. Để tránh tỉ lệ ảo lớn, nên cho phép thí sinh tự do đăng ký vào các trường”, TS Nguyễn Quốc Chính nhấn mạnh.

Tại điểm cầu Cần Thơ, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đề xuất: Khâu đăng ký xét tuyển ĐH kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cần có sự phối hợp của các Sở GD - ĐT để tránh tình trạng thí sinh, phụ huynh lúng túng khi đăng ký xét tuyển. Bộ GD - ĐT nên mạnh dạn giao cho các trường ĐH và các Sở, việc công bố điểm kỳ thi THPT quốc gia chia bớt gánh nặng với Bộ. Cần có hướng dẫn và tạo mối liên hệ tốt giữa các trường ĐH với các Sở GD - ĐT để công tác tổ chức thi thuận lợi hơn.

Lê Vân
Còn chỉ tiêu, nhiều trường vẫn dừng tuyển sinh
Còn chỉ tiêu, nhiều trường vẫn dừng tuyển sinh

Chưa hết hạn xét tuyển của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, nhiều trường dù còn trống hàng nghìn chỉ tiêu nhưng vẫn dừng tuyển sinh do quá mệt mỏi với việc đợi thí sinh và cho rằng nguồn tuyển đã cạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN