Xét tuyển nguyện vọng 1:

Chủ trương đúng, thực hiện còn bất cập

Không thể đổ lỗi cho riêng Bộ GD - ĐT, các trường… mà tất cả các khâu đều cần rút kinh nghiệm, đó là khẳng định của một chuyên gia giáo dục về đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện các trường ĐH. Theo TS Hồ Đắc Lộc, Hiệu Trưởng trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh: Nếu xét vào bản chất vấn đề, các thí sinh và gia đình chấp nhận tốn kém và vất vả đi nộp và rút hồ sơ, vì thấy có lợi hơn nếu so với chi phí sẽ phải trả cho một năm học để thi lại đại học. Vì thế, dù các gia đình và thí sinh này có trách Bộ GD - ĐT không hướng dẫn họ cách đăng ký thay đổi nguyện vọng thuận tiện hơn, thì vẫn cần ghi nhận một chủ trương mới tiến bộ hơn năm trước là biết điểm trước rồi đăng ký xét tuyển sau, trao cho các em họ cơ hội vào được một trường vừa với mức điểm và năng lực, mong muốn của mình, ngay trong năm nay. “Nhưng đúng là nếu chúng ta làm tốt công tác tư vấn hơn nữa, thì sự xáo động sẽ nhỏ hơn”, TS Lộc nhấn mạnh.

Đa số các hiệu trưởng đều cho rằng chủ trương đổi mới kỳ thi THPTQG là đúng đắn và tiến bộ, kỳ thi cơ bản đạt được các yêu cầu. Tuy nhiên cách làm phải nhẹ nhàng hơn và phải chuẩn bị một hạ tầng công nghệ thông tin tốt nhất để hỗ trợ thí sinh ngay tại địa phương, mà không cần đi lại vất vả, gây nên hiện tượng tập trung đông người như vừa qua.

“Đổi mới tuyển sinh là việc cần thiết và Bộ GD - ĐT đã có chủ trương đúng đắn. Bộ và các trường đều đã rất nỗ lực, đặc biệt là trong 20 ngày xét tuyển vừa qua. Tuy nhiên, khi đổi mới thì phải chấp nhận đối mặt với những vấn đề khó khăn phát sinh. Không có gì có thể hoàn thiện ngay 100%, nhất là khi đây là lần đầu tiên được thực hiện. Chủ trương và ý tưởng đổi mới của kỳ thi phải khẳng định là đúng. Tuy nhiên phải chuẩn bị đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cả truyền thông để tránh tâm lý các em không an tâm khi gửi hồ sơ qua Sở Giáo dục hay qua bưu điện mà phải đích thân đi gửi hồ sơ, tập trung vào những ngày cuối gây rối loạn như vừa qua”, một đại diện trường chia sẻ.

Về phía trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội, theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường: Tình hình của trường trong đợt tuyển sinh này không nóng như mức độ báo chí phản ánh về một số trường khác. Nguyên nhân là ngay từ đầu trường đã định vị trường là trường tốp đầu có số lượng hồ sơ nộp đông, nên đã xác định mức điểm sàn nhận hồ sơ khá cao để những thí sinh điểm thấp không mất công nộp vào trường. Trong quá trình tuyển sinh, trường cũng tư vấn trực tiếp và tư vấn online cho thí sinh, cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình hồ sơ nộp vào trường cũng như cảnh báo mức điểm không nên nộp hồ sơ nên số hồ sơ nộp vào so với chỉ tiêu không chênh lệch lớn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Tuấn, trong kỳ tuyển sinh những năm tới, để làm tốt hơn công tác xét tuyển, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc đăng ký online để giảm bớt vất vả cho thí sinh cũng như thuận tiện hơn cho các trường. PGS.TS Tuấn cũng cho rằng thời gian xét tuyển cho mỗi đợt 20 ngày là dài, dễ gây tâm lý lo lắng, nên có thể rút gọn bớt thời gian xét tuyển.

Lê Vân- TTN
Xét tuyển nguyện vọng 1: Rút kinh nghiệm ở mọi khâu
Xét tuyển nguyện vọng 1: Rút kinh nghiệm ở mọi khâu

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cố gắng trong việc đổi mới thi cử với mục tiêu tạo nhiều cơ hội cho thí sinh có thể đỗ Đại học; song rõ ràng, còn nhiều bất cập trong việc xét tuyển Đại học năm nay, cần sớm được rút kinh nghiệm và thay đổi trong những đợt tới, năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN