Bài thi tổ hợp KHTN không quá khó, nằm trong chương trình

Đó là nhận định của nhiều giáo viên tại hệ thống Hocmai. Theo các giáo viên này, đề thi không khác nhiều với đề minh họa, để đạt điểm 7 - 8 không khó, nhưng để đạt điểm 9 - 10 thì cũng cần phải có kiến thức tổng hợp.

Thí sinh có tâm lý thoải mái sau khi thi xong đề trắc nghiệm

Tổ Vật lí – Hệ thống giáo dục Hocmai:


Nội dung đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình Vật lí lớp 12, kiến thức phủ và phân bổ tương đối đồng đều giữa 7 chuyên đề như dạng thức của đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo và đề thi các năm liền trước. Đề có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài.


Về độ khó và sự phân bổ kiến thức: Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi của kì thi THPT quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Vật lí nói riêng và các môn thi tổ hợp nói chung. Sự phân bổ mức độ câu hỏi cũng tương đối rõ ràng với khoảng 60% câu hỏi trong đề ở mức độ dễ, cơ bản, 40% câu hỏi còn lại có độ khó tăng dần, đặc biệt có khoảng 10% (khoảng 3 - 4 câu cuối) ở mức khó hơn hẳn để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Các câu hỏi khó vẫn rơi vào các các phần Sóng cơ, Dao động cơ và Điện xoay chiều như thông lệ.


Mỗi đề thi đều có 1 - 2 câu “hay”, “lạ” có tính ứng dụng thực tiễn là các câu có tính phân loại, dùng để lấy điểm 9 - 10 như câu 25 mã đề 206 (học sinh phải liên hệ kiến thức lớp 10 về lực hướng tâm); câu 36 của đề 206 (thực tiễn về nhà máy điện hạt nhân, hơi dài và có khả năng gây rối cho học sinh); câu 31 mã đề 201 (yêu cầu kĩ năng xử lí công thức linh hoạt); câu 33 mã 201 về bài toán thực tiễn, câu 38 mã đề 201 rơi vào dạng đồ thị.


Với đề thi này, không khó để học sinh đạt điểm 7 - 8 nhưng để đạt được điểm cao 9,5 - 10; yêu cầu thí sinh cũng phải có thêm tư duy tổng hợp. Nhìn chung đề không quá khó so với đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo và đề các năm trước.


Tổ Hóa học – Hệ thống giáo dục Hocmai:


Đề thi THPT quốc gia 2017 dễ hơn so với đề thi THPT quốc gia của năm 2015 và 2016 khi đã giảm số lượng và mức độ câu khó và cực khó. Tuy nhiên, do thời gian thi giảm xuống chỉ còn 50 phút nên áp lực thời gian chính là vấn đề của đề thi năm nay.


Nội dung đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình Hóa học lớp 12, kiến thức tập trung vào este, peptit, tổng hợp hóa hữu cơ, vô cơ, các bài tập liên quan đến kim loại. Đề có sự sắp xếp theo vùng từ dễ đến khó bám sát ma trận kiến thức, tạo tâm lí thoải mái và thuận lợi cho các em học sinh làm bài. Phạm vi đề thi thi THPT quốc gia môn Hóa học năm 2017 tương đối phù hợp với hình thức đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo mà Bộ đã công bố.


Việc điều chỉnh hình thức thi, thời gian thi của kì thi THPT quốc gia năm 2017 so với các năm trước kéo theo việc điều chỉnh lại cấu trúc đề thi/độ khó của đề thi môn Hóa học. Đề thi có 60% thuộc về lĩnh vực cơ bản cho nên thí sinh chỉ cần học nắm vững kiến thức lớp 12 là có thể làm được, 40% còn lại có độ khó tăng dần và đặc biệt có khoảng 10% (khoảng 4 câu) ở mức khó hơn hẳn để phân loại giúp các trường đại học có thể tuyển chọn được thí sinh. Đề thi không có nhiều dạng câu lạ, mới xuất hiện. Các câu hỏi ở mức độ cực khó vẫn thường rơi vào dạng bài peptit, điện phân và đồ thị như câu 78 mã 206 (dạng bài không mới nhưng yêu cầu học sinh có khả năng tư duy cao); câu 79, 80 của mã 208. Các câu hỏi dễ vẫn thường rơi vào chuyên đề polime và cacbohidrat.


Với đề thi này, không khó để học sinh đạt điểm 8 - 9 nhưng để đạt được điểm tuyệt đối, thí sinh cũng phải có tư duy tổng hợp, phân tích, vững về quan điểm. Đề nhìn chung không quá khó.


Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên luyện thi môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục Học Mãi, giáo viên trường THPT chuyên Đại học Sư phạm:


Thứ tự câu hỏi đảm bảo theo tiến trình từ dễ đến khó. Các câu hỏi hay và khó vẫn nằm ở những câu hỏi cuối cùng của đề. Các câu hỏi nằm chủ yếu trong chương trình kiến thức lớp 12, có nội dung giảm phân nằm trong chương trình lớp 10 là kiến thức nền tảng phục vụ cho chương trình lớp 12.


Một số nội dung kiến thức ví dụ như bảng phát sinh sự sống qua các đại địa chất (năm nào cũng có 1 câu) được sử dụng để xây dựng các câu hỏi tương đương về độ khó ở các đề khác nhau đảm bảo sự công bằng giữa các mã đề.


Ma trận đề và độ khó của các mã đề đều tương đương so với đề thi tham khảo. Các học sinh đã quen với đề tham khảo của Bộ công bố trước đó sẽ không bị bỡ ngỡ với các độ khó của đề.


Ở các câu hỏi mang tính phân loại cao, dạng thức và cách ra đề không có nhiều điểm đổi mới so với đề thi minh họa, tham khảo, thử nghiệm của Bộ. Ví dụ các câu phả hệ trong các mã đề đều có hình thức tương đối quan thuộc với hầu hết các thí sinh.


Với mức độ câu hỏi như vậy, mặc dù quen thuộc nhưng với áp lực thời gian chỉ trong 50 phút. Nếu thí sinh không có cách thức phân bổ thời gian một cách hợp lý thì để giải quyết được 100% câu hỏi đúng không phải là dễ dàng đối với thí sinh. 60% kiến thức cơ bản giúp cho các học sinh có thể vượt qua yêu cầu xét tốt nghiệp một cách nhanh chóng nếu nắm chắc kiến thức lý thuyết sách giáo khoa. Còn lại 5 - 10 câu cuối để giải quyết được, đòi hỏi thí sinh có kiến thức, phương pháp, kỹ năng giải nhanh, thì mới đạt được kết quả tốt nhất được.


Lê Vân/Báo Tin Tức (ghi)
 TP Hồ Chí Minh: Một thí sinh bị đình chỉ thi do mang đồng hồ thông minh
TP Hồ Chí Minh: Một thí sinh bị đình chỉ thi do mang đồng hồ thông minh

Trong ngày thi thứ 2 của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc như thí sinh mang đồng hồ thông minh vào phòng thi, giám thị bị làm kiểm điểm, đề thi môn Vật lý sai phải kèm bản đính chính...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN