06:16 24/06/2015

Tuyên Quang: Dự án truyền thông cơ sở kém hiệu quả

Dự án truyền thông hàng chục tỷ đồng ở Tuyên Quang khi hoạt động đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

Xác định được vai trò vô cùng quan trọng của truyền thông cơ sở trong quá trình phát kinh tế - xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, trong 2 năm (2013-2014) tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn vốn Mục tiêu quốc gia, thực hiện dự án "Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo" cho 10 xã trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Tuy nhiên, ngay khi hoàn thành đưa vào hoạt động đã không phát huy hiệu quả, dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

Ông Đặng Văn Thanh, Trưởng thôn Làng Bụt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn cất giữ thiết bị truyền thanh không được sử dụng.


Xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là một trong những xã khó khăn được thụ hưởng từ dự án. Với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng nên việc được triển khai dự án trên địa bàn xã  được kỳ vọng rất lớn sẽ giúp bà con tiếp cận với thông tin. Thế nhưng khi dự án hoàn thành, trạm phát sóng đưa vào sử dụng thì dự án không được như kỳ vọng. Toàn xã có 7 thôn thì chỉ có 5 thôn bắt được tính hiệu, riêng thôn Làng Bụt, thôn Húc thì không thể bắt được tín hiệu.

Ông Đặng Văn Thanh, Trưởng thôn Làng Bụt cho biết: thôn Làng Bụt thuộc diện thôn 135, toàn thôn có 96 khẩu với hơn 80% là đồng bào dân tộc Dao Quần Trắng. Đời sống đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, trong khi thôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Vì thôn có diện tích rộng, bà con lại sống phân tán nên khi có việc gì của thôn, xã thì ông phải đến từng nhà thông báo, nếu hai người đi thì cũng phải mất hết một buổi.

Ông Thanh, Trưởng thôn Làng Bụt cất giữ thiết bị truyền thanh không được sử dụng.


Việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước chỉ được thông báo trong các cuộc họp của thôn nhưng thỉnh thoảng mới tổ chức họp được. Được thụ hưởng dự án "Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo", cuối năm 2014, thôn được cấp hai loa phát thanh và một bộ thu. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần cố gắng sử dụng, cán bộ cũng đã về kiểm tra nhưng thiết bị này không bắt được sóng, không sử dụng được. Nếu thôn bắt được sóng phát thanh từ xã thì công việc tuyên truyền thông tin đường lối chính sách, thông tin về sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp đến được bà con nhanh và kịp thời hơn.

Tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn cũng gặp hoàn cảnh tương tự, toàn xã có 16 thôn thì có đến 6 thôn là không bắt được tín hiệu truyền thanh từ xã. Chị Chẩu Thị Tuyền, Cán bộ văn hóa xã Tân Long cho biết, tháng 4/2014 hệ thống truyền thanh xã đi vào hoạt động đã mang lại bà con nhân dân được tuyên truyền pháp luật của nhà nước thông qua hệ thống truyền thanh. Tuy nhiên, toàn xã có 16 thôn thì chỉ có 10 thôn gần trung tâm xã mới bắt được tính hiệu, còn 6 thôn còn lại là không tiếp sóng được. Đối với những thôn này các chị phải đến tận nơi, tuyên truyền đường lối chính sách, pháp luật hay thông tin về mùa màng, sâu bệnh phải thông qua hệ thống loa di động, rất vất vả.

Ông Đặng Văn Thanh, Trưởng thôn Làng Bụt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn phải đến tận nhà các hộ dân mỗi khi muốn thông báo công việc.


Ngoài ra, một số xã mặc dù đã được dự án bàn giao công trình nhưng do chưa nhận được giấy phép sử dụng tầng số và thiết bị vô tuyến điện của Cục tầng số vô tuyến điện, Bộ thông tin truyền thông nên chưa thể phát sóng.

Nghiêm trọng hơn, một số hạng mục của công trình, nhà thầu thi công không đúng với thiết kế được phê duyệt. Cụ thể, theo thiết kế được phê duyệt, cột thu phát sóng được thiết kế hình tam giác được phun 3 lớp sơn nhằm đảm bảo không bị ôxi hoá trong điều kiện dầm mưa dãi nắng. Thế nhưng các cột thu phát sóng ở các xã Tân Long, Phú Thịnh, Thái Bình (huyện Yên Sơn) nhà thầu cũng chỉ sơn một lớp qua loa, nếu dùng tay gẩy nhẹ là bị bong tróc ra một cách dễ dàng.

Chị Chẩu Thị Tuyền, Cán bộ văn hóa xã Tân Long, huyện Yên Sơn vận hành hệ thống phát thanh nhưng hiện trong xã có đến 6/16 thôn không tiếp được sóng.


Có thể thấy rằng, mục tiêu 100% nhân dân ở các xã có dự án được nghe đài truyền thanh đã không đạt được, hàng tỷ đồng được đầu tư đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên đang là câu hỏi gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang. Thiết nghĩ cơ quan chức năng Tuyên Quang cần vào cuộc điều tra xử lý, sớm đưa hệ thống truyền thanh cơ sở vào hoạt động, góp phần giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Được biết, dự án do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư.


Văn Tý