03:10 22/03/2012

Tuyển dụng lao động

Đến xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai, ông Chủ tịch xã phấn khởi cho chúng tôi biết, rằng từ ngày có khu công nghiệp (KCN) Long Thành bộ mặt của xã đã thay đổi hẳn. Đường láng nhựa thay thế cho những con đường đất; nhà ngói, nhà bê tông kiên cố đã thay cho những ngôi nhà tranh, vách lá.

Đến xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai, ông Chủ tịch xã phấn khởi cho chúng tôi biết, rằng từ ngày có khu công nghiệp (KCN) Long Thành bộ mặt của xã đã thay đổi hẳn. Đường láng nhựa thay thế cho những con đường đất; nhà ngói, nhà bê tông kiên cố đã thay cho những ngôi nhà tranh, vách lá. Nhiều hộ gia đình thuần nông trước kia, nhờ tiền đền bù từ dự án xây dựng khu công nghiệp đã chuyển sang làm dịch vụ phục vụ công nhân trong KCN và xây nhà cho công nhân thuê nên có thu nhập khá. Cũng nhờ có KCN Long Thành mà xã Tam An và nhiều xã khác trong vùng căn cứ kháng chiến đã không còn là xã vùng sâu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, xã Tam An không còn là xã trong diện khó khăn.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã cũng tỏ rõ băn khoăn, rằng KCN Long Thành với 77 nhà máy xí nghiệp đang hoạt động thu hút hàng ngàn công nhân từ khắp nơi; trong đó có nhiều lao động phổ thông hoặc không yêu cầu lao động có tay nghề cao nhưng số lao động của xã Tam An được nhận vào làm trong KCN Long Thành chỉ được 50%; còn lại phải đi đến các KCN xa hơn để làm việc.

Người lao động có thể đặt câu hỏi: Vì sao khi xây dựng KCN, nhà đầu tư nào cũng hứa sẽ ưu tiên giải quyết việc làm cho những lao động đã bị thu hồi đất sản xuất cho dự án để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân nhưng thực tế lại không phải như vậy; rằng, vì sao trong nhiều trường hợp cả những quân nhân xuất ngũ cũng không được nhận vào làm việc tại các nhà máy của KCN này?

Chúng tôi đưa những “vì sao” này tới ông Chủ tịch xã mong muốn tìm ra những “tréo ngoe” trong hoàn cảnh hiện nay của 50% số lao động xã Tam An. Hóa ra cái lý lại thuộc về các nhà tuyển dụng. Ấy là trong thực tế nhiều doanh nghiệp đã nhận lao động xã Tam An vào làm việc nhưng có nhiều lao động tỏ ra không chăm chỉ, một số không tuân thủ kỷ luật lao động và nội qui làm việc của doanh nghiệp. Một số lao động còn “cậy” là người địa phương mà quậy phá khiến cho không ít doanh nghiệp đâm nản. Dù không có chủ doanh nghiệp nào tuyên bố không tuyển lao động là người dân xã Tam An nhưng số người nộp hồ sơ xin việc làm thì nhiều mà số lao động được nhận vào làm việc rất ít. Có người đã nộp 7-8 bộ hồ sơ nhưng không nhận được hồi âm.

Thực tế, không phải tất cả những người lao động không được nhận vào làm việc tại KCN Long Thành đều là những người thiếu ý thức hoặc thiếu chăm chỉ; và theo ông Chủ tịch xã thì tình trạng quậy phá cũng đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc nhận lao động của xã Tam An bởi “con sâu làm rầu nồi canh”.

Để giải quyết tình trạng này ngành lao động cần chú trọng đến việc đào tạo không chỉ tay nghề mà cần giáo dục cả ý thức và tinh thần lao động công nghiệp cho người lao động. Mặt khác chính quyền xã khi xác nhận đơn xin việc cũng nên có xác nhận về tư cách, phẩm chất của người lao động; làm một vòng “sơ tuyển” để giúp các doanh nghiệp không tuyển lầm người; nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động. Doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp để tuyển dụng lao động; không vì một vài người lao động gây ra một số vụ việc không tốt mà “né” hàng trăm người lao động tốt của xã Tam An.

Nguyễn Quang Vinh