03:23 08/03/2012

Tuyên chiến với lãng phí thực phẩm

Mỗi ngày trên thế giới có tới 1/3 lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác. Để hạn chế sự lãng phí này, một số sáng kiến hiệu quả đã ra đời. Từ đầu tháng 1/2012, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer (Anh) đã sử dụng loại túi bọc mới giúp dâu tây nhập khẩu được bảo quản tươi dài hơn hai ngày.

Mỗi ngày trên thế giới có tới 1/3 lượng thực phẩm bị vứt vào thùng rác. Để hạn chế sự lãng phí này, một số sáng kiến hiệu quả đã ra đời. Từ đầu tháng 1/2012, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer (Anh) đã sử dụng loại túi bọc mới giúp dâu tây nhập khẩu được bảo quản tươi dài hơn hai ngày. Túi bọc này sắp tới có thể được sử dụng phổ biến cho tất cả các loại hoa quả nhanh hỏng. Marks & Spencer hy vọng nếu dâu tây được bảo quản tốt hơn, người tiêu dùng sẽ ít phải vứt chúng đi hơn.

Thức ăn thừa bị vứt bỏ (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Dù đây là một sáng kiến khiêm tốn nhưng nó nằm trong khuôn khổ chiến dịch thử nghiệm toàn cầu chống lãng phí thực phẩm. Một nghiên cứu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) được tiến hành năm 2011 cho kết quả khá sốc: Mỗi ngày trên toàn thế giới có 1/3 lượng đồ ăn - tương đương 1,3 tỷ tấn - bị bỏ vào thùng rác. Các nhà sinh thái học phát động chiến dịch chống lãng phí nước và năng lượng, nhưng đã không chú ý nhiều đến sự lãng phí đồ ăn trong khi cần sử dụng rất nhiều nước và năng lượng để tạo ra chúng.

Theo nghiên cứu của FAO được tiến hành tại châu Âu và Bắc Mỹ, trung bình mỗi người bỏ đi 280 - 300 kg đồ ăn trong một năm, nhiều gấp đôi so với trong các khu vực đang phát triển như châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á. Người tiêu dùng chính là thủ phạm gây ra 1/3 sự lãng phí này, khi họ vứt đi những đồ ăn đã quá hạn sử dụng.

Báo cáo trên cho rằng một tâm lý phổ biến ở các nước phát triển, theo đó “vứt đi còn rẻ hơn sử dụng hoặc tái sử dụng”. Tại các nước mới nổi, vấn đề ở chỗ khác. Vì công nghệ chưa tiến bộ, sự lãng phí xảy ra vào mùa thu hoạch, ở khâu xử lý và phân phối sản phẩm. Ví dụ như do thiếu tủ để bảo quản lạnh, sữa bị hỏng trong quá trình đưa ra thị trường.

Nhưng khi giá nguyên liệu đầu vào như ngô tăng cao, cuộc chiến chống lãng phí đã trở thành vấn đề thời sự. Chẳng hạn ở Vương quốc Anh, Hiệp hội Nhà hàng Bền vững (SRA), có trụ sở ở Luân Đôn, đã phát động chiến dịch giảm lãng phí thực phẩm từ mùa thu năm ngoái. SRA đã phát 350 túi nhỏ để khách hàng mang về nhà những đồ ăn còn lại sau khi dùng bữa tại tất cả các nhà hàng tham gia chiến dịch này. SRA hy vọng sẽ mở rộng chiến dịch này ra ngoài Thủ đô. Tất nhiên, tăng túi bọc không tốt lắm xét về khía cạnh sinh thái, nhưng ông Tom Tanner, đại diện của SRA, đảm bảo rằng những chiếc túi nhỏ này được làm bằng vật liệu tái chế và dễ tiêu hủy.

SRA cũng khuyến khích các chủ cửa hàng hạn chế lãng phí trong nhà bếp. Một cuộc điều tra được thực hiện sau đó tại 10 nhà hàng ở Luân Đôn cho thấy để chuẩn bị mỗi món ăn, các đầu bếp đã thải 500 gam rác. Khoảng 65% lượng rác này xuất phát từ những thói quen xấu trong khi nấu bếp.

Theo những người đề xướng giảm lãng phí thực phẩm, công chúng phải được tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến này. Trong khi đó, FAO cũng cho rằng tại những nước đang phát triển, nâng cấp chất lượng đường sá sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển thực phẩm.

Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu ngày 19/1/2012 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Ủy ban châu Âu và các chính phủ thành viên áp dụng biện pháp cụ thể để giảm một nửa tỷ lệ lãng phí thực phẩm từ nay tới năm 2025. Trong số các biện pháp được khuyến cáo, có việc phát động các chiến dịch tuyên truyền cho người tiêu dùng, hoặc tuyên bố 2014 là “Năm châu Âu chống lãng phí thực phẩm”. Ngoài ra, cũng nên bán rẻ các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, hoặc phân phát chúng cho người nghèo.

Bạch Dương (Theo NYT)