04:15 29/04/2015

Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm

Ngày 27/4, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 (HNCC ASEAN 26), diễn ra tại Kuala Lumpur và Langkawi, Malaysia, ngày 27/4 các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp hẹp của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Hội nghị nhất trí tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người làm trung tâm và dựa trên luật lệ, trong đó tất cả mọi người, các bên liên quan và các lĩnh vực của xã hội có thể đóng góp và hưởng lợi ích từ một cộng đồng gắn kết và hội nhập hơn trong tăng cường hợp tác trong các trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội cho sự phát triển bền vững, công bằng và toàn diện.

Về kinh tế, các bên nhất trí thúc đẩy một nền kinh tế khu vực hội nhập, ổn định, thịnh vượng và gắn kết, trong đó bao gồm tất cả các lĩnh vực xã hội, cũng như khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, người cao tuổi và thanh niên trong việc xây dựng một ASEAN có tính cạnh tranh, sáng tạo và năng động;

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ như là một động lực cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bao gồm việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tiếp cận hệ thống tài chính chính thức và tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực công và tư nhân;

Khuyến khích sự tham gia và trao đổi nhiều hơn giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ Kế hoạch công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn II và các văn bản kế tiếp để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như tạo điều kiện cho sự di chuyển của các doanh nhân, các lao động có tay nghề và nhân tài;

Đưa các yếu tố sức khỏe, sự thay đổi khí hậu, môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chiến lược chủ động quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, và sự hài hòa đa dạng văn hóa xã hội vào việc thúc đẩy kết nối, thúc đẩy năng suất cao hơn, duy trì phát triển kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi trong khu vực;

Tiếp tục các sáng kiến xây dựng năng lực để tất cả các nền kinh tế thành viên ASEAN tham gia đầy đủ vào các nỗ lực hội nhập ang diễn ra;

Hiện thực hóa tầm nhìn về một lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp khu vực có tính cạnh tranh, toàn diện, đàn hồi và bền vững, hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, dựa trên thị trường và cơ sở sản xuất chung, góp phần vào an ninh lương thực và dinh dưỡng, và sự thịnh vượng trong Cộng đồng ASEAN;

Nâng cao nhận thức, thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp xã hội trong việc trao quyền cho các cộng đồng để tạo ra doanh thu và lợi nhuận xã hội để nâng cao phúc lợi và đời sống của người dân.

Về văn hóa, xã hội, hội nghị nhất trí tăng cường nỗ lực xây dựng một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội có trách nhiệm, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm nhằm đạt được sự đoàn kết bền vững và thống nhất giữa các dân tộc ASEAN bằng cách thấm nhuần đánh giá chung về đa dạng văn hóa cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng và phúc lợi của các dân tộc;

Thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, thanh niên và người cao tuổi cũng như những người lao động nhập cư, người dân bản địa, người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương và các nhóm người thứ yếu, và thúc đẩy lợi ích và phúc lợi của họ trong chương trình nghị sự trong tương lai của ASEAN kể cả thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và các văn bản đi kèm;

Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển bằng cách tăng cường tiếp cận các nhu cầu cơ bản và hướng tới việc đạt được mức sống thích đáng, phù hợp với cam kết toàn cầu về xóa đói giảm nghèo;

Đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến với nước sạch, không khí trong lành, dịch vụ y tế cơ bản và các dịch vụ xã hội khác để họ có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh và hữu ích, và do đó góp phần vào Cộng đồng ASEAN;

Tăng cường mối liên kết nhân dân và nhận thức về bản sắc ASEAN trong giới trẻ bằng cách tăng cường trao đổi và giao lưu trong thanh thiếu niên trong khu vực ASEAN;

Thúc đẩy các thành phố bền vững trong ASEAN, nhấn mạnh vào các hoạt động kinh tế mạnh mẽ, môi trường sống an toàn và lành mạnh, và cơ sở hạ tầng đô thị có hệ sinh thái thân thiện và bền vững;

Thúc đẩy khả năng phục hồi của khu vực bằng cách giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và văn hóa - xã hội mà có thể là kết quả của sự biến đổi khí hậu và các tác động khác môi trường, kể cả ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN và và Kế hoạch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các hiệp định ASEAN liên quan;

Thúc đẩy tăng cường hợp tác về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp để tăng cường khả năng phục hồi thảm họa ở tất cả các cấp độ và giảm thiểu số dân cư dễ bị ảnh hưởng;

Đảm bảo tính đa dạng sinh học phong phú của ASEAN là bảo tồn và quản lý bền vững hướng tới tăng cường sự phồn thịnh của xã hội, kinh tế và môi trường;
Tăng cường hợp tác trong giáo dục bằng cách khuyến khích trao đổi sinh viên trong khu vực, trao đổi kiến thức và nâng cao chất lượng giáo dục;

Tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN để tạo ra một hệ thống dân sự hiệu quả cao, năng động và hướng tới người dân, lấy người làm trung tâm để hỗ trợ một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và bền vững.

Về hợp tác đối ngoại, hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác ASEAN với các nước đối tác đối thoại và các bên ngoài khu vực có liên quan trong khuôn khổ các cơ chế của ASEAN trong cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN để hỗ trợ các nỗ lực khu vực nhằm củng cố một ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên luật lệ.


Kim Dung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)