05:18 26/05/2014

Tụt hạng PCI - Bắc Giang loay hoay tìm giải pháp - Bài 1

20/5 là thời hạn UBND tỉnh Bắc Giang công bố giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2014. Tuy nhiên, dù đã qua thời gian dự kiến, lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh cho hay, giải pháp vẫn đang ở khâu chờ thường vụ... thảo luận.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang trong năm vừa qua đã bị tụt hạng tới 18 bậc, khiến lãnh đạo tỉnh dùng từ "sốc" để mô tả. Theo kế hoạch, thời hạn chót để UBND tỉnh Bắc Giang công bố các kế hoạch và giải pháp để cải thiện tình trạng này đã qua, song tại một cuộc làm việc do lãnh đạo tỉnh triệu tập mới đây, các đơn vị liên quan vẫn loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.


Bài 1: Tụt hạng PCI - góc nhìn từ doanh nghiệp


Chọn góc tiếp cận tìm hiểu việc tụt hạng PCI của tỉnh Bắc Giang qua hoạt động của doanh nghiệp (DN), phóng viên Tin Tức làm việc với Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu VIFOCO. Câu chuyện của doanh nghiệp về 2 lần va vấp chính sách đã phần nào lý giải vì sao các DN trong tỉnh chưa đánh giá cao năng lực điều hành của chính quyền và bộ máy các sở chuyên ngành của tỉnh.


Doanh nghiệp "dài cổ" chờ quyền lợi


Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc công ty VIFOCO cho biết, tháng 2/2013, công ty làm hồ sơ xin miễn giảm tiền thuê đất theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hồ sơ làm xong, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở ngành công thương, nông nghiệp, thuế... thẩm định và xác nhận.


Theo chính sách hỗ trợ các DN đầu tư vào nông nghiệp, VIFOCO được miễn giảm tiền thuê đất 11 năm, cùng những chính sách hỗ trợ khác như tín dụng, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu. Những tưởng các sở ngành thẩm định và xác nhận thế là xong, DN yên tâm chờ. Vậy mà cho đến nay đã hơn 1 năm, ưu đãi của Nhà nước vẫn “bặt âm, vô tín”.


Cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 201/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 61 và có hiệu lực từ 10/2/2014, VIFOCO vẫn chưa nhận được thông tin gì từ tỉnh.


Nhà xưởng của VIFOCO dở dang giai đoạn giữa năm 2009 khi DN không vay được gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ.


Chuyện thứ hai là vào giữa năm 2009, khi kinh tế suy giảm, Chính phủ ra gói hỗ trợ lãi suất cho DN. Là DN sản xuất, có thị trường, có đơn hàng và đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh cần mở rộng nhà máy để phát triển, VIFOCO làm hồ sơ xin được hưởng gói hỗ trợ lãi suất thấp. Chuẩn bị hồ sơ từ khi chính sách ra đời (tháng 4/2009), sau 3 tháng hồ sơ làm xong (tháng 7/2009) thì cũng là lúc các ngân hàng chịu trách nhiệm triển khai gói chính sách này thông báo đã... giải ngân hết tiền.


Để "an ủi" DN, các ngân hàng nói chờ gói hỗ trợ lãi suất thứ 2 vào cuối năm. Tuy nhiên, cuối năm 2009, gói 2 lại bị cắt do lo ngại tiếp tục sẽ gây lạm phát. VIFOCO bỗng lâm cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi tin tưởng tuyệt đối rằng mình thuộc diện được vay nên đã đi vay lãi ngoài để dựng nhà xưởng, nhập dây chuyền sản xuất cho kịp thời vụ.


Nhớ lại chuyện này, ông Việt vẫn "toát mồ hôi". "Kể từ bài học này, tôi luôn nhắc mình phải cảnh giác, đừng trông mong cái gì cả, tự cứu mình chứ đừng chờ... ưu đãi”, ông nói.


Giờ đang là thời vụ sản xuất, ông Việt dẫn phóng viên Tin Tức thăm nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu của VIFOCO. Nhà máy đã xây xong  đầu năm 2013 không phải từ tiền hỗ trợ lãi suất thấp mà bằng sự nỗ lực của DN. Hơn 100 công nhân đang miệt mài sản xuất, từ khâu đóng sản phẩm vào lọ,  đưa lên băng tải vào dây chuyền chế biến... đến khâu đóng gói hoàn thiện. Ông Việt cho biết, 5 năm trước đây, trên địa bàn tỉnh có 7 DN chế biến sản phẩm này. Hai năm gầy đây kinh tế suy thoái, không trụ được nên 4 DN đã đóng cửa, dừng sản xuất. Nguyên nhân là do không có vốn sản xuất chứ không phải không có thị trường.


Năng lực cạnh tranh và điều hành đều thấp


Trong báo cáo về chỉ số PCI năm 2013 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2014, chỉ số PCI của Bắc Giang chỉ đạt 54,79 điểm, đứng thứ 49/63 tỉnh thành, giảm 18 bậc so với năm 2012 và giảm 26 bậc so với năm 2011.


Tại cuộc họp phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số CPI mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã thừa nhận đây là "cú sốc” với những người đang ở cương vị lãnh đạo tỉnh, bởi các chỉ số năng lực cạnh tranh và năng lực điều hành ở mức quá thấp. Ngay sau khi biết chỉ số này, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẩn trương làm rõ vấn đề để cải thiện. Tuy nhiên, tại cuộc họp, các sở, ngành bị “kêu” nhiều nhất như kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, cục thuế… vẫn chưa có ý tưởng, giải pháp nào để đề xuất với tỉnh.


Bộ phận "Một cửa" của tỉnh vắng tanh nhưng DN vẫn phải "dài cổ" vì thủ tục.


Theo ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, công bố chỉ số PCI do VCCI khảo sát tại tỉnh cho thấy có nhiều chỉ chỉ tiêu rất cơ bản của Bắc Giang bị DN đánh giá kém đi. Trong đó đáng chú ý nhất là thời gian DN chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trung bình tăng từ 45 ngày cách đó 2 năm lên 228 ngày năm 2013.


Nhận xét về bộ phận Một cửa của tỉnh, có 80% DN cho rằng cán bộ tại bộ phận một cửa chưa am hiểu về chuyên môn, chưa nhiệt tình, thân thiện. Bên cạnh đó, tới 84% DN cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa của cán bộ còn hạn chế.


Ở Chỉ số Tiếp cận đất đai, có tới 73,6% DN cho biết gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh. Đối với vấn đề tính minh bạch thì 1/3 DN được khảo sát cho rằng việc thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh; 62,37% DN phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 12,5% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 45,24% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến.


Trong khi nhiều tỉnh đã bước sang giai đoạn lựa chọn DN công nghệ cao để thu hút đầu tư thì khu công nghiệp Vân Trung có vị trí đắc địa ở Bắc Giang vẫn phải chấp nhận DN may gia công đầu tư.


Một chỉ số quan trọng khác là chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần DN. Nhiều DN trong tỉnh phản ánh tình trạng Bắc Giang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hơn là khu vực tư nhân trong tỉnh. Cụ thể, việc tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, thủ tục hành chính nhanh chóng và thuận tiện là những đặc quyền của các DN FDI và hoạt động của các DN này nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn từ tỉnh. Đặc biệt có đến 100% DN đồng ý rằng “Hợp đồng, đất đai…, và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh.


Bài và ảnh: Xuân Hương