05:07 04/05/2014

Tương lai không tươi sáng của các trường đại học Mỹ

Theo học tại các trường đại học Mỹ được xem là mơ ước của du học sinh thế giới. Thế nhưng đối với thế hệ người Mỹ sinh sau năm 2000, có lẽ việc tiến thân bằng con đường đại học sẽ không còn là điều “bắt buộc” nữa.

Theo học tại các trường đại học Mỹ được xem là mơ ước của du học sinh thế giới. Thế nhưng đối với thế hệ người Mỹ sinh sau năm 2000, có lẽ việc tiến thân bằng con đường đại học sẽ không còn là điều “bắt buộc” nữa. Đó là nhận định của bài viết đăng trên nhật báo Le Monde với dòng tựa khá ấn tượng “Sự xuống dốc của đại học Mỹ”.

 

Ngay cả trường Harvard cũng có nguy cơ thiếu sinh viên.

 


Bài viết dựa trên báo cáo mang tên “Thống kê giáo dục, tầm nhìn 2020” vừa được công bố hồi cuối tháng Hai bởi Trung tâm Dữ liệu thống kê Mỹ. Theo báo cáo thứ 41 kể từ năm 1964 này, tỷ lệ người Mỹ có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sẽ dần sụt giảm. Trong giai đoạn 1997 - 2010, tỷ lệ này là 27%, trong khi tính từ nay đến năm 2022, con số này sẽ giảm 2%. Nói về số lượng sinh viên, từ nay đến năm 2022, các trường công lập sẽ tăng 1%, trong khi các trường tư sẽ giảm 29%. Ngay cả tập đoàn Ivy League sở hữu tám trường đại học tư danh tiếng trong đó có Harvard, Columbia hay Yale, cũng có nguy cơ sụt giảm số người đăng ký bởi theo dự báo, ở miền Đông bắc Mỹ, nơi được xem là “địa bàn” của các trường này, sĩ số ở các trường tư sẽ giảm 10%.


Bài viết nhấn mạnh đến một số nguyên nhân, trong đó có sự lớn mạnh của các trường đại học châu Á, nhất là Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ước tính mỗi tuần phải có thêm một trường đại học được xây dựng mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), nếu vào năm 2020 có một lớp học gồm 100 sinh viên, thì trong đó Trung Quốc có đến 29 người, Ấn Độ 12, Nhật Bản 4, và Mỹ là 11. Nguyên nhân thứ hai là việc ngày càng có nhiều người Mỹ chuộng việc học trên mạng để lấy kĩ năng mà không cần bằng cấp. Nhiều người cho rằng các bằng cấp truyền thống không còn ích lợi trong xã hội kỹ thuật số ngày nay. Bài viết nhận định thế hệ người Mỹ sinh sau năm 2000 sẽ cảm thấy con đường đại học không phải là con đường “bắt buộc” để lập thân.


Một nguyên nhân khác cũng đáng quan tâm, đó là tại Mỹ đang có trào lưu làm việc kiếm tiền sớm ngay khi học xong trung học chứ không chờ đến sau đại học. Do việc học đại học ở Mỹ lâu nay rất tốn kém, và sinh viên đa phần khi lấy được tấm bằng đại học thì cũng gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ tiền ăn học.


Pháp hiện xếp thứ ba thế giới trong các nước tiếp nhận nhiều thanh niên ngoại quốc đến du học. Thế nhưng, cũng ngày càng có nhiều thanh niên có bằng cấp tại Pháp xuất ngoại. Báo động cho tình trạng này, nhật báo Le Figaro đăng bài phỏng vấn “Thanh niên xuất ngoại: Một làn sóng dữ”. Tờ báo dẫn lời ông Jean - Yves Durance, một lãnh đạo Phòng thương mại và công nghiệp Paris vừa tiến hành nghiên cứu về vấn đề người Pháp sinh sống ở nước ngoài. Ông Durance cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, từ 10 năm nay, số lượng người Pháp xuất ngoại tăng đều và hiện có khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người. Nếu so với một số nước trong Liên minh châu Âu, thì con số này của Pháp còn thua xa: Vương quốc Anh là 4,6 triệu người, Đức là 4,2 triệu và Italia là 3,6 triệu.


Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động là thành phần người Pháp xuất ngoại đã thay đổi. Trong giai đoạn 2003 - 2013, tỷ lệ người Pháp đến sống và làm việc ở nước ngoài do được công ty hay Nhà nước cử đi, hay do đi làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, đã giảm từ 36% xuống còn 19%. Trong khi đó, số người Pháp đi làm việc ở nước ngoài do kiếm được hợp đồng với các doanh nghiệp của nước sở tại đã tăng từ 47% lên 50%, hoặc đến mở công ty làm ăn ở nước ngoài cũng đã tăng từ 10% lên 18%. Trong số những người Pháp xuất ngoại, 50% có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ, và 57% có thu nhập trên 30.000 euro mỗi năm. Số người kéo dài thời gian sống ở nước ngoài ngày càng tăng. Năm 2005, số người Pháp sống ở nước ngoài hơn 10 năm là 27%, trong khi đó vào năm 2013 con số này tăng lên mức 38%.

 

TKT