05:09 27/05/2011

Tương lai của loài gấu châu Á đang bị đe dọa

Một con gấu đen đang giận dữ gầm gào và dùng hai chân trước rung lắc mạnh chấn song cái lồng đang nhốt nó. Con gấu này cũng giống như hàng ngàn đồng loại khác của nó ở châu Á đang phải sống mòn từng ngày và chịu cảnh để con người rút mật...

Một con gấu đen đang giận dữ gầm gào và dùng hai chân trước rung lắc mạnh chấn song cái lồng đang nhốt nó. Con gấu này cũng giống như hàng ngàn đồng loại khác của nó ở châu Á đang phải sống mòn từng ngày và chịu cảnh để con người rút mật - một thành phần quan trọng trong các bài thuốc cổ truyền của người Trung Hoa.

Một con gấu đen bị nhốt trong chiếc lồng chật hẹp tại một trang trại nuôi gấu lấy mật. Ảnh: Internet


Trong một khu nhà kín như bưng và khai nồng mùi nước tiểu ở thị trấn Boten (Lào) gần biên giới với Trung Quốc, khoảng 15 chiếc lồng sắt xếp theo hàng dọc, mỗi lồng nhốt một con gấu. Chiếc lồng hầu như không còn khoảng không để gấu quay đầu mà chỉ có thể đứng thẳng.

Ông Se, người Trung Quốc và là chủ của khu chuyên nuôi nhốt gấu đen châu Á này, phân trần rằng nếu làm lồng to hơn thì người nuôi gấu sẽ gặp nguy hiểm. Ông cho biết, mỗi ngày một lần, người làm thuê cho ông sẽ lấy mật gấu bằng một cái kim tiêm.

Ở khu vực sân, 4 con gấu con vừa được vài tuần tuổi đã bị mang bán cho dân buôn lậu với giá 750 USD/con. Chúng cũng sẽ phải đối mặt với thảm cảnh tương tự như gấu trưởng thành ở đây.

Tại một trang trại nuôi gấu khác, người ta cấy một ống thông ở bụng gấu để rút mật. Đây là hành động bị các nhà bảo vệ quyền động vật phản đối và kêu gọi một lệnh cấm. Ông Jude Osborne, thuộc Quỹ giải phóng loài gấu của Ôxtrâylia, cho biết, mật gấu thường được rút ra bằng phương pháp phẫu thuật cực kỳ thô bạo hoặc cấy ống thông vĩnh viễn vào người gấu.

Điều kiện sống của những con gấu ở các trang trại lấy mật gấu phần lớn là rất tồi tệ, khiến chúng phải chịu đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Hậu quả là tuổi thọ của gấu bị giảm đi còn 10 năm, trong khi gấu trong tự nhiên có thể sống tới 25 năm. Sau khi gấu chết, mật sẽ được dùng trong các bài thuốc cổ truyền Trung Hoa còn chân được mang đi nấu súp.

Theo một báo cáo của mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, ít nhất 12.000 con gấu đang sống trong các trang trại nuôi gấu tại châu Á. Tuy gọi là trang trại nhưng phần lớn không nuôi và chăm sóc gấu mà chỉ rút mật của chúng. Phần lớn mật gấu được rút từ loài gấu đen châu Á - vốn được Liên đoàn quốc tế bảo tồn tự nhiên (IUCN) xếp vào danh sách “những loài vật dễ bị tổn thương”. Hoạt động buôn bán loài gấu này cũng bị cấm theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật quý hiếm (CITES).

TRAFFIC cho biết, Trung Quốc là nước sản xuất mật gấu lớn nhất với số lượng ước tính từ 6 đến 30 tấn hàng năm. Ngoài ra, Trung Quốc còn xuất khẩu nhiều sản phẩm từ gấu - một hoạt động hợp pháp ở nước này. Mật gấu xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện trong các hiệu thuốc cổ truyền khắp châu Á dưới nhiều dạng như nước, bột hoặc viên. Thậm chí, trong thành phần kem đánh răng, kẹo và dầu gội đầu cũng có mật gấu.

Ở Lào, số lượng gấu nuôi trong trang trại khoảng từ 100 đến 200 con, ít hơn nhiều so với một số quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, ông Osborne cũng cho rằng cần ứng phó với tình trạng lập trang trại gấu bất hợp pháp ở Lào. Ông khẳng định quỹ của ông đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền để đảm bảo tình trạng này không diễn ra.

Theo hãng tin AFP, ở sân bay tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, chính quyền cho treo một tấm biển lớn có hình gấu đen và lời cảnh báo buôn lậu động vật hoang dã là hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy thế, nhu cầu về mật gấu vẫn rất mạnh và tương lai của chúng vẫn bị đe dọa.

Thùy Dương