05:22 10/05/2015

Tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên thực hiện tốt quy trình tưới nước tiết kiệm nhằm tránh tình trạng lãng phí nguồn nước và giảm được chi phí sản xuất, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn hiện nay.

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã hướng dẫn các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên thực hiện tốt quy trình tưới nước tiết kiệm nhằm tránh tình trạng lãng phí nguồn nước và giảm được chi phí sản xuất, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn hiện nay.

Lượng nước tưới tùy từng cây

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, khác với các vùng chuyên canh cà phê trên thế giới, mùa khô ở Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, cây cà phê sẽ không có sản phẩm thu hoạch nếu không được tưới nước. Tưới nước đã trở thành biện pháp mang tính quyết định đến năng suất cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, phần lớn các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên có khuynh hướng sử dụng lượng nước tưới quá cao (tưới thừa từ 400 đến 500 lít nước/gốc/lần tưới) so với nhu cầu của cây cà phê. Trong khi mùa khô hạn ở Tây Nguyên ngày càng khốc liệt nhưng hiện vẫn còn nhiều nông hộ sản xuất cà phê, nhất là các nông hộ trồng cà phê ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông lại tưới quá lãng phí nước (tưới từ 800 lít đến 950 lít nước/gốc/lần tưới).

Nhiều diện tích cây cà phê khô héo do không còn nước tưới.


Các nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên hợp tác với trường Đại học Leuven của Bỉ cho thấy, tưới nước tiết kiệm hơn mà vẫn bảo đảm được sự phát triển, cây cà phê vẫn cho năng suất cao, ổn định. Cụ thể, đối với cà phê vối mới trồng, khi bước vào mùa khô, bà con nông dân chỉ cần tưới 120 lít nước/gốc/lần tưới và cà phê trong hai năm kiến thiết cơ bản chỉ cần tưới 240 lít nước/gốc/lần tưới, với chu kỳ là 22 đến 24 ngày/lần tưới.

Còn đối với cà phê vối đã bước vào thời kỳ kinh doanh, chỉ cần tưới 390 lít nước/gốc/lần tưới, với chu kỳ là 22 đến 24 ngày, còn tưới 530 lít nước/gốc/lần tưới thì phải với chu kỳ tưới là 30 ngày đều đảm bảo cho năng suất 3,5 tấn cà phê nhân/ha. Tùy theo thời gian khô hạn, mỗi mùa khô, các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên tổ chức tưới cho cà phê từ 3 đến 4 đợt.

Không nên tưới tràn

Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng hướng dẫn các nông hộ các phương pháp tưới nước cho cây cà phê, gồm tưới gốc (làm bồn, tưới dí vào gốc) và tưới phun mưa. Viện cũng khuyến cáo các nông hộ không nên áp dụng phương pháp tưới tràn vì phương pháp tưới này hay gây nên tình trạng xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng và lây lan bệnh, nhất là bệnh thối rễ cà phê do tuyến trùng, nấm gây nên.

Các tỉnh Tây Nguyên có trên 573.400 ha cà phê; trong đó có 532.500 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng chục nghìn ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới. Riêng Đắk Lắk đã có trên 40.000 ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.

Ngoài ra, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cũng khuyến cáo, cần nhân rộng mô hình tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua nước cho cây cà phê đến với các nông hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.

Qua thực tế tại một số mô hình tưới nước nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua nước đã mang lại hiệu quả khá cao không những giảm được 40% lượng nước tưới/ha mà còn giảm được 70 đến 80% nhân công, giảm chi phí đầu tư sản xuất, giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường, hạn chế xói mòn đất, làm cho độ ẩm của đất trong vườn cà phê đồng đều, tạo cho đất vùng rễ luôn tươi xốp.

Đồng thời, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước, chất dinh dưỡng cho cây cà phê, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê nhân… Với mô hình này, nước trước khi dẫn đến cây cà phê đã được đi qua một hệ thống trung tâm, gồm đồng hồ đo lưu lượng nước dùng để theo dõi lượng nước tưới một cách chính xác, kiểm tra lưu lượng nước trong lúc bơm, lưu lượng nước tưới. Hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cà phê khoảng 70 cm, chôn âm cách mặt đất chừng 5 đến 7 cm, mỗi gốc có một đoạn ống đi qua, với 10 điểm nhỏ giọt (cách nhau 30 cm/điểm). Vào mùa khô, sau khi cây cà phê đã phân hóa mầm hoa, lượng nước được cung cấp liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày tưới 1 tiếng vào buổi sáng, những đợt sau cách 4 đến 5 ngày tưới một lần, tùy theo vùng, khoảng hơn 10 ngày kể từ ngày tưới đầu tiên thì hoa cà phê sẽ bung hàng loạt…

Quang Huy