09:11 16/09/2011

Tục “Khửn cẩu” của phụ nữ dân tộc Thái đen

Phụ nữ dân tộc Thái đen trước khi “lên xe hoa” về nhà chồng phải làm lễ “Khửn cẩu” (búi tóc trên đỉnh đầu). "Khửn cẩu" là phong tục từ ngàn xưa để lại của đồng bào dân tộc Thái đen Tây Bắc, nhằm rũ đi những vẩn đục của quá khứ, để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước vào một cuộc sống mới.

Phụ nữ dân tộc Thái đen trước khi “lên xe hoa” về nhà chồng phải làm lễ “Khửn cẩu” (búi tóc trên đỉnh đầu). "Khửn cẩu" là phong tục từ ngàn xưa để lại của đồng bào dân tộc Thái đen Tây Bắc, nhằm rũ đi những vẩn đục của quá khứ, để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước vào một cuộc sống mới. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo trong hôn nhân và gia đình của dân tộc Thái đen.

Những người con gái Thái trưởng thành, xây dựng gia đình riêng (tức là đi lấy chồng) bao giờ cũng phải làm lễ "Khửn cẩu". Khi ra đường, để phân biệt phụ nữ Thái, ai đã có chồng và chưa có chồng rất dễ, bởi người đã có chồng thì búi tóc trên đỉnh đầu, mặc dù họ có cách ăn mặc rất giống nhau, cùng diện bộ trang phục "áo cóm" đặc trưng. Búi tóc trên đỉnh đầu được trang điểm thêm chiếc trâm cài hoặc trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái và thể hiện tấm lòng chung thủy của người vợ với chồng, với con.

“Nai cẩu” đang búi tóc cho cô dâu.


Ông Lò Xuân Nam, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho biết: Trước ngày cưới, nhà trai chuẩn bị 1 sải khăn piêu, khít, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, chiếc gương nhỏ, chiếc lược sừng và lọn tóc đem sang nhà gái tặng cô dâu. Tất cả lễ vật đều thành đôi thể hiện sự chung thủy, hạnh phúc của đôi vợ chồng cho đến lúc đầu bạc răng long.

Lễ "Khửn cẩu" thường được tiến hành tại nhà gái. Trước tiên là phần gội đầu cho cô dâu mới. Vào một buổi sáng đẹp trời, khi sương đã tan, ánh ban mai trong lành trải khắp núi rừng, tại “Ta bản” (bờ suối), hai cô gái phù dâu sẽ giúp cô dâu xõa tóc và gội đầu bằng “Nặm Khảu má” (nước ngâm gạo nếp) đựng sẵn trong ống tre nứa cùng với nước đun lá bưởi, lá sả, tre ngà, hương nhu, long não. Dưới làn nước trong mát của dòng suối, cô dâu “xák phom” (rũ tóc) với ý niệm nước suối gột rửa tất cả những gì không hay của quá khứ và để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước qua một cuộc sống mới. Gội đầu xong, cô dâu vấn tóc quanh đầu rồi cùng chúng bạn trở về bản. Từ chân cầu thang, cô được đón rước và bước chậm rãi từng bậc lên nhà sàn. Đến “Tang chan” (ngoài sàn) cô ngồi vào giữa một hàng ghế mây, hướng về phía mặt trời mọc. Hai thiếu nữ phù dâu cùng phụ nâng khay đựng đồ trang sức do nhà trai mang sang.

Cô dâu, chú rể đi mời rượu bà con dân bản đến chúc phúc.


Trước khi nghi lễ được bắt đầu, đoàn nhà trai khoảng 10 người sang nhà gái, trong đó có hai “me lam” (chủ hôn) dự lễ và đón dâu. Trong số đó thường có hai - ba cô gái chưa chồng, am hiểu các phong tục tập quán, phục vụ bên nhà gái. Khi vào làm lễ, hai "me lam" (chủ hôn), một bên nhà trai, một bên nhà gái và hai người phục vụ đứng bên cạnh cô dâu. “Nai cẩu” (người được chọn để búi tóc cho cô dâu), đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra, chải thật mượt để kết cùng hai bó tóc rời. Khi tóc đã chải mượt thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc, cuộn tròn, mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra. Để trang điểm búi tóc cho đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng 1 "cà sa" (túi lưới màu đen chụp lên trên), dùng cây trâm làm bằng bạc hoặc nhôm theo kiểu ống cuộn tròn do thợ kim hoàn làm, có chiều dài từ 10-12 cm. Một đầu đính vào đồng tiền bạc hoa xòe và đính sợi dây "xọi", đầu kia vuốt nhọn. Dùng cây trâm xuyên qua "mản cẩu". Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây "xọi" móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Có thêm sự tô điểm của trang sức làm cô dâu tăng thêm vẻ đẹp và trông chững chạc hơn.

Khi lễ "Khửn cẩu" xong, “me lam” đưa cô dâu, chú rể ra lễ bái tổ tiên: "Hôm nay là ngày lành tháng tốt, xin phép tổ tiên hai họ nội ngoại cho hai cháu được hạnh phúc trăm năm. Cảm ơn các ông các bà hai họ đến chúc phúc cho các cháu…”. “Nai cẩu” khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa, đại ý là: “Mái tóc dài, chải cho mượt/Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”/Từ nay về sau, người đã có chồng/Nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi”.

Khi hai "me lam" của hai gia đình đã làm xong phần lễ, cô dâu và chú rể cùng đi mời rượu khách đến nhà và bà con trong bản uống mừng chúc phúc. Tiệc rượu bắt đầu, dưới sân là điệu xòe của các cô gái Thái với những tiếng nhạc dập dìu, trên nhà là những mâm rượu, họ cùng nhau mừng hạnh phúc cho lứa đôi.

Bài và ảnh: V.Tôn