10:12 26/10/2014

Tuần tăng giảm đan xen của giá dầu thế giới

Giá dầu liên tiếp trồi sụt trong cả tuần qua trong bối cảnh thị trường bị giằng co.

Giá dầu liên tiếp trồi sụt trong cả tuần qua trong bối cảnh thị trường bị giằng co bởi một bên là mối đe dọa từ tình trạng dư thừa nguồn cung, còn một bên là những số liệu đáng khích lệ từ một số nền kinh tế lớn cũng như sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 20/10), giá dầu tiếp tục đi xuống, nối bước đà giảm trong nhiều ngày trước đó, do tâm lý lo ngại nguồn cung dư thừa và việc xuất hiện thêm dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt tại khu vực Trung Đông không có kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã nhanh chóng phục hồi trong phiên giao dịch ngày 21/10, nhờ số liệu về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 9/2014, sản lượng công nghiệp của "người khổng lồ châu Á" tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đang phục hồi từ mức thấp nhất trong 5 năm (6,9%) hồi tháng 8/2014.

Báo cáo của NBS cũng cho biết, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý III/2014 chỉ tăng 7,3%, mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, dù con số này vẫn cao hơn dự báo trước đó của nhiều chuyên gia phân tích.

Tình hình lại đảo ngược ngay trong phiên giao dịch liền sau đó (22/10), khi giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt giảm mạnh, do Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết dự trữ dầu thô tại cường quốc này đã tăng khoảng 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/10, nhiều hơn gấp hai lần so với dự kiến của thị trường.

Báo cáo trên đã làm gia tăng quan ngại về tình trạng “cung vượt quá cầu” trên thị trường và gây sức ép lên giá dầu. Chuyên gia phân tích đầu tư Daniel Ang thuộc Phillip Futures (Singapore) nhận định, dự trữ dầu thô tại Mỹ hiện đang ở mức đáng báo động (cao hơn so với con số của năm 2012 và 2013) và với tình trạng này, Mỹ có khả năng sẽ giảm nhập khẩu dầu thô.

Trong khi đó, yếu tố khác khiến giá dầu đi xuống trong phiên này là việc một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã phát tín hiệu rằng họ sẽ vẫn giữ nguyên sản lượng bất chấp giá dầu thế giới đang trên đà giảm, còn một vài thành viên khác lại muốn cắt giảm giá bán để giành lại thị phần.

Tới phiên giao dịch ngày 23/10, các số liệu kinh tế khả quan tại hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Đức, cùng thông tin về việc Saudi Arabia cắt giảm nguồn cung dầu thô ra thị trường trong tháng Chín, đã giúp “vàng đen” quay đầu lên giá.

Cụ thể, thống kê sơ bộ của ngân hàng HSBC cho biết, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của khu vực chế tạo tại Trung Quốc trong tháng Mười đạt 50,4 (điểm), tăng nhẹ so với mức 50,2 của tháng Chín.

Tương tự tại Đức, báo cáo mới nhất của Markit cho biết, chỉ số PMI của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng Mười cũng tăng lên 54,3, so với mức 54,1 của tháng Chín.

Dù vậy, một lần nữa, dầu lại để tuột mất đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 24/10), do những lo ngại về triển vọng tiêu thụ yếu kém trên toàn cầu và những hoài nghi về thông báo cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 12/2014 giảm 1,08 USD, xuống 81,01 USD/thùng, thấp hơn mức tương ứng của cuối tuần trước là 83,27 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 70 xu Mỹ, xuống 86,13 USD/thùng, so với mức đóng cửa tuần trước là 86,20 USD/thùng.

Trong tháng Mười này, dầu ngọt nhẹ đã chạm mức thấp nhất trong vòng hai năm, còn dầu Brent cũng có thời điểm “tụt” xuống mức thấp nhất bốn năm. Hiện giới đầu tư đang thận trọng dõi theo những ảnh hưởng của dịch bệnh Ebola tới nền kinh tế toàn cầu, yếu tố được coi sẽ tác động tới hướng đi của giá dầu.


Minh Trang