03:17 18/03/2015

Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17: Bảo vệ bản thân, doanh nghiệp và xã hội

Với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17 đã được phát động trên toàn quốc.

Với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17 đã được phát động trên toàn quốc.

Thiệt hại lớn vì mất an toàn

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, cả nước xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tổng số người bị tai nạn là 6.941 người, trong đó có 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất do TNLĐ là 98,54 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 80.944 ngày. Chỉ khoảng 2% số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân được khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp. Năm qua, cả nước xảy ra gần 2.400 vụ cháy, nổ.

Đo thân nhiệt cho công nhân của Công ty WK (Bình Dương )trước khi tiêm vắc xin miễn phí phòng ngừa bệnh Rubella.



Tuy chỉ tăng 0,2% về số vụ TNLĐ so với năm 2013, nhưng số người bị nạn do TNLĐ năm 2014 tăng đến 56 người, số vụ có người chết tăng 30 vụ. Đặc biệt, số người bị thương nặng cũng tăng lên, cho thấy TNLĐ đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực: xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí..

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) bức tranh TNLĐ này mới chỉ phản ánh được dưới 10% so với thực tế. Điều đáng quan ngại là TNLĐ năm nào cũng được cảnh báo nhưng hầu như các nguyên nhân xảy ra tai nạn không được khắc phục, tính chất của các vụ tai nạn lặp đi lặp lại: do sự chủ quan của người lao động, công tác tập huấn và đầu tư trang thiết bị an toàn lao động ở các doanh nghiệp không được coi trọng.

Thêm vào đó, dường như nhiều ngành, đơn vị và địa phương còn coi nhẹ công tác này. Đơn cử, với một thao tác nhỏ là báo cáo tình hình TNLĐ, thì các đơn vị cũng làm chưa tốt. Theo ông Hà Tất Thắng, mặc dù cả nước có gần 600 vụ TNLĐ nhưng đến đầu tháng 2/2015, Bộ LĐ-TBXH mới nhận được 202 biên bản điều tra. Năm 2014, cả nước chỉ có 6,9% doanh nghiệp (19.780/269.554 doanh nghiệp) có báo cáo về tình hình TNLĐ. Điển hình, TP Cần Thơ có tổng số 5.769 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhưng chỉ một doanh nghiệp báo cáo tình hình TNLĐ.

Cục trưởng Cục ATLĐ Hà Tất Thắng nhấn mạnh: “Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải đưa ra những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLÐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến TNLÐ chết người, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo TNLĐ. Đồng thời, tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh và dứt điểm các vụ TNLĐ”.

Xây dựng “văn hóa an toàn”

Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ lần thứ 17 được phát động tại tất cả các địa phương trên toàn quốc với mục đích thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa và các hoạt động của Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động và Phòng chống cháy nổ. Tuần lễ được thực hiện với các nội dung: Tăng cường các chuyên mục và các chuyên đề phổ biến; cảnh báo về tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp; nêu gương các điển hình thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng cháy chữa cháy; tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động và Phòng cháy chữa cháy đến tận các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, nơi công cộng, công sở, khu vực sản xuất.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, cần từng bước xây dựng văn hóa phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong công nhân lao động. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, an toàn lao động tại nơi làm việc, hướng tới xây dựng và phát triển “Văn hóa an toàn”, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững…

Tại TP Vũng Tàu, khi dự phát động Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, không có TNLĐ nào là không phòng tránh được; không có bệnh nghề nghiệp nào không kiểm soát được và không có vụ cháy nổ nào là không thể ngăn chặn. Vì thế các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người lao động cần chủ động tổ chức các hoạt động, chương trình hành động có ý nghĩa thiết thực nhất để hưởng ứng chủ đề của Tuần lễ Quốc gia năm nay; nỗ lực và tích cực hơn nữa trong việc đề xuất và triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, điều hành; các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ xảy ra.

“Cần coi công tác ATVSLĐ - PCCN là công việc thường xuyên chứ không chỉ là công việc của Tuần lễ Quốc gia” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

PV (tổng hợp)