11:11 14/11/2014

Tuần lễ 'đổi gió' của ông Obama ở châu Á

Trong bối cảnh đánh mất Thượng viện vào tay Đảng Cộng Hòa, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường sang châu Á tham dự chuỗi sự kiện hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực. Đây được xem là tuần lễ 'đổi gió' để ông biểu thị sức mạnh của vị Tổng thống Hợp chúng quốc Hòa Kỳ.

Rời Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục đặt chân đến Myanmar và Australia trong chuỗi sự kiện hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực trong tuần này. Lần xuất ngoại này được xem là cơ hội đầu tiên của ông Obama kể từ thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tuần qua, để biểu thị sức mạnh của vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Ngày 12/11 tại Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xây dựng quan hệ "kiểu mới" giữa hai nước. Ảnh: AFP/ TTXVN


Các cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho thấy bên ngoài Trung Quốc, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” hướng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Các chuyên gia châu Á thì nhìn thấy sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng, cũng như mong muốn, Mỹ tiếp tục dẫn đầu cuộc hội nhập và hợp tác châu Á trong tương lai bất chấp sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc.

Tâm lý này phần nhiều xuất phát từ cách hành xử hung hăng của Trung Quốc khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn Washington có nhiều cam kết hơn tại khu vực. Dẫu vậy, cũng giống như người Mỹ, các chính phủ ở châu Á nhận thấy những cam kết của ông Obama không quá “hay ho” như lời ông đã hứa. Nguyên do không phải là vì Mỹ thiếu sự quan tâm tại khu vực này bởi thứ nhất, nói cho cùng, Tổng thống Mỹ đã lớn lên ở Indonesia và Hawaii. Và thứ hai, có vẻ như ông Obama thật sự có mối quan tâm tại đây.

Một điểm cần lưu tâm khác là chính quyền của ông Obama đã thể hiện tốt hơn so với các chính quyền tiền nhiệm cũng từng tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực và tổ chức các cuộc hội đàm song phương cấp cao. Xét về khía cạnh tham gia, chính quyền Obama đạt được điểm “A”. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ chất lượng của sự tham gia đó như thế nào.

Trong bối cảnh chính quyền Mỹ lâu nay đã gửi đi những tín hiệu pha trộn và gây ra tâm lý khó hiểu tại khu vực châu Á cũng như khiến các quốc gia này nghi ngờ sự sẵn sàng của Mỹ trong việc hiện thực hóa chính sách xoay trục trên, có hai điều mà ông Obama có thể làm trong chuyến công tác để thay đổi tình hình.

Trước tiên, Tổng thống Mỹ phải diễn đạt rất khúc chiết, rõ ràng và nhất quán trọng tâm vấn đề mà ông muốn nêu. Bởi trong khi các quan chức chính phủ Mỹ vẫn tuyên bố liên tục thực hiện điều này, thì thế giới lại nhìn thấy tất cả những bài phát biểu và tuyên bố về châu Á của chính phủ nước này đều rơi vào tình trạng tiền hậu bất nhất.

Ví dụ, năm 2009, trong một hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm đó là ông Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tôn trọng “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc để rồi sau đó bỏ đi phần này khi Bắc Kinh có cách hiểu rằng tuyên bố trên của Mỹ là sự đồng thuận với những yêu cầu của Trung Quốc. Tháng 1/2011, trong tài liệu của Lầu Năm Góc mang tên "Sự lãnh đạo toàn cầu bền vững của Mỹ: Những ưu tiên cho quốc phòng thế kỉ 21", Trung Quốc cùng Iran bị xem là mối đe dọa nghiêm trọng. Đáp lại, Trung Quốc buộc tội chính quyền Obama với chính sách ngăn chặn kiểu Chiến tranh lạnh.

Tiếp đó, năm 2013, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice tuyên bố Mỹ sẽ “hiện thực hóa” đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một “mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Washington và Bắc Kinh, qua đó hạ vị trí ưu tiên của các đồng minh của Mỹ. Chính quyền Mỹ sau đó lại tiếp tục “đánh tõm” tuyên bố đó của cố vấn an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ (thứ 5, trái sang) cùng lãnh đạo các nước tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ hai ở thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar) ngày 13/11. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Trong chặng dừng chân cuối tại Australia, Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu về chiến lược Mỹ - châu Á. Và nhiệm vụ của ông sẽ là phải thể hiện đúng nội dung: Chúng tôi sát cánh cùng đồng minh của mình, chúng tôi sẽ hợp tác cho một kiến trúc kinh tế xuyên Thái Bình Dương mở và chúng tôi sẽ cộng tác với Trung Quốc đến mức tối đa có thể nhưng sẽ không thỏa hiệp với những giá trị hay cam kết an ninh của mình.

Nhiệm vụ thứ hai của Tổng thống Mỹ là phải cho thế giới thấy ông có kĩ năng và cam kết để hoàn tất các cuộc đàm phán quan trọng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp đó là thu về lợi ích từ mô hình hội nhập kinh tế khu vực này, trước khi Trung Quốc bắt đầu dùng sức mạnh kinh tế của mình để đề ra những luật chơi mới.

Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc gây áp lực với Nhật Bản mà còn là biểu hiện của sự lãnh đạo đối với Quốc hội ở Washington. Các đối tác của Mỹ trong khu vực biết rằng nước này chưa từng hoàn tất một thỏa thuận thương mại nếu trước đó chưa giành được sự ủng hộ của quốc hội, theo quy định của Hiến pháp.

Trong khi đó, đội ngũ của Tổng thống Obama đã quyết định đi theo lộ trình ngược: Thương thảo để có được thỏa thuận tốt nhất với Nhật Bản và các nước khác, sau đó là tìm kiếm sự đồng ý của Quốc hội. Trên lí thuyết, những tính toán này của Mỹ có thể thành công. Nhưng về thực tế, các đối tác của "xứ cờ hoa" sẽ không soạn ra mâm cỗ tốt nhất trên bàn đàm phán cho tới khi họ nhìn thấy bằng chứng Tổng thống Mỹ có tiếng nói trước Quốc hội.

Nếu như thương mại có thể trở thành một khu vực dành cho sự hợp tác của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bởi nhìn chung, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thường ủng hộ các vấn đề thương mại, thì tại chính trường Mỹ giờ đây, Đảng Dân chủ đang kích động một cuộc chiến đảng phái, trong đó đề cập đến việc phớt lờ Quốc hội trong một số vấn đề, bao gồm chính sách nhập cư và đàm phán hạt nhân Iran. Điều này có nghĩa là khó khăn đang chờ đón ở phía trước.

Nếu châu Á, mà cụ thể là Nhật Bản, nhận thấy Tổng thống Mỹ có thể và sẽ làm việc với Quốc hội về vấn đề thương mại, thì về cơ bản các cuộc đàm phán có thể bao trùm chuyến công tác này của ông Obama. Còn nếu không, chính sách xoay trục mà Mỹ cam kết sẽ trở nên không thực tế.

Vẫn còn đó nhiều nghi ngờ tại châu Á về sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ, đặc biệt là sau kết quả của cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ. Nhưng dư luận ở nhiều nơi trong khu vực này vẫn có cảm tình với ông Obama và muốn ông thành công. Còn các chính phủ từ Canberra cho đến Tokyo thì cần ông thành công vì sự trỗi dậy cùa Trung Quốc. Thế cho nên, tuần lễ này có thể xem như cơ hội tốt nhất để Tổng thống Obama chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh của ông chủ Nhà Trắng là như thế nào.


Anh Tiếu (Theo CNN)