04:22 09/04/2015

Từ vết thương đến đơn vị anh hùng

Ký ức về những ngày tháng gian khổ, khốc liệt khi sát cánh cùng các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Xô Viết Ershov Igor Alexeevich, người đã tham gia nhiều trận đánh của Trung đoàn tên lửa 263 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ký ức về những ngày tháng gian khổ, khốc liệt khi sát cánh cùng các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn in đậm trong tâm trí của cựu chiến binh Xô Viết Ershov Igor Alexeevich, người đã tham gia nhiều trận đánh của Trung đoàn tên lửa 263 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ vết thương đến đơn vị anh hùng

Năm 1965 tôi tốt nghiệp Trường trung cấp kỹ thuật quân sự mang tên Angel và được cử đi phục vụ ở Trung Á với cấp hàm Sỹ quan dẫn đường tên lửa. Mùa hè năm 1966 tôi được triệu tập lên Ban chỉ huy Trung đội tên lửa để nhận lời đề nghị của thượng tá Boldenkov cử đi công tác nước ngoài. Tôi hỏi: “Đi đâu?” thì chỉ được trả lời là: “Đến một đất nước nóng bỏng”.

Cựu chiến binh Ershov Igor Alexeevich.



Đầu tháng 6 năm đó, tất cả những ai đồng ý đi công tác nước ngoài được điều động đến vùng ven thành phố Dushanbe, nơi đặt trung tâm huấn luyện của khẩu đội tên lửa phòng không. Chúng tôi được chia thành hai khẩu đội.

Từ đó đến giữa tháng 9 chúng tôi được huấn luyện tính toán các thông số kỹ thuật. Trong thời gian này hầu hết chúng tôi đều đoán ra là sẽ được cử sang Việt Nam. Ngày 22/9/1966 nhóm sỹ quan đầu tiên được cử đi để huấn luyện cho các đồng chí Việt Nam, nhóm còn lại, trong đó có tôi được cử trở lại các đơn vị để tiếp tục nâng cao nghiệp vụ.

Giữa tháng 1/1967 chúng tôi lại được triệu tập về Dushanbe và được cử sang Việt Nam. Chúng tôi đến sân bay Nội Bài vào ban đêm. Ra đón là các chuyên gia quân sự Liên Xô và các đồng chí Việt Nam. Công tác đào tào các cho các đồng chí Việt Nam được bắt đầu tiến hành ngay sau khi chúng tôi có mặt.

Tôi rất lấy làm ngạc nhiên bởi không biết các đồng chí Việt Nam đã kiên trì như thế nào mà có thể học sử dụng được các thiết bị điện tử phức tạp, trong khi chưa có một nền tảng lý thuyết nào. Phức tạp nhất đối với họ là việc phát hiện và sửa các lỗi. Tuy nhiên dần dần kiến thức của họ cũng được nâng lên. Giữa tháng 4 thiết bị kỹ thuật của Liên Xô được chuyển đến. Chúng tôi mất gần 2 tuần để tìm kiếm, sửa lỗi và cài đặt các loại thiết bị và ngày 9/5 chúng tôi đưa vào trực chiến.

Không quân Mỹ tiến hành các chuyến bay trinh sát gần sân bay Nội Bài và khu vực Hà Nội trong vài ngày liền. Trong thời gian đó chúng tôi cùng các đồng chí Việt Nam thử nghiệm tính toán các thông số theo mục tiêu thực tế. Ngày 13/5 vào lúc gần 8 giờ sáng khẩu đội chúng tôi nhận được lệnh báo động. Tôi và đồng chí giúp việc vào vị trí trong cabin điều khiển. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, một nhóm mục tiêu bay vào vùng phòng thủ. Chúng tôi phóng 2 quả tên lửa và tiêu diệt được chiếc máy bay cường kích tuần tra A - 2 của Mỹ. Những chiếc còn lại quay đầu bay về phía Hải Phòng. Các đồng chí Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô vui mừng khôn xiết.

Ông Ershov Igor Alexeevich sinh năm 1944 tại Azerbajan. Năm 1962 tốt nghiệp phổ thông trung học và thi vào trường trung cấp kỹ thuật quân sự mang tên Angel thuộc Quân chủng phòng không Liên Xô. Từ tháng 1/1967 đến hết tháng 12/1967 tham gia vào các hoạt động quân sự của Liên Xô tại Việt Nam ở vị trí Sỹ quan dẫn đường tên lửa thuộc Khẩu đội tên lửa phòng không số 43, Trung đoàn tên lửa 263 Quân đội nhân dân Việt Nam. Đã bị thương trong chiến đấu.

Ông từng tham gia vai diễn trong bộ phim “Chiến tranh trong rừng nhiệt đới” và chương trình truyền hình “Có một thời như thế” được phát trên kênh “Nostalgia” và đài phát thanh “Kachiusha”. Vì những đóng góp của mình, ông Alexeeich đã được tặng thưởng huân chương “Chiến sỹ sao đỏ”, và 8 huy chương, trong đó có Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Ngày hôm sau Mỹ nối lại các chuyến bay. Tôi và các kỹ thuật viên Danilov, Akhmadeev và Kozub nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Rõ ràng các phi công Mỹ tỏ ra không thích thú chút nào trước chiến công của chúng tôi ngày hôm trước. Khẩu đội được lệnh sẵn sàng chiến đấu số 2, sau đó đến khoảng 15 giờ chiều lại được nâng lên mức sẵn sàng chiến đấu số 1. Lúc này Đại úy Ruvimov, chỉ huy trạm vô tuyến ngồi ở vị trí khai hỏa. Ăng ten của chúng tôi bắt được 2 mục tiêu bay thuộc loại RF - 4 đang đi vào màn hình quét của rađa. Tuy nhiên khi chúng tôi phóng 2 quả tên lửa tiêu diệt thì hai mục tiêu này nhanh chóng chúc xuống phía dưới và bay về các ngả khác nhau. Một tên lửa bắn trượt mục tiêu đã đâm vào núi và phát nổ, quả còn lại tự phát nổ trên không. Sau khi phân tích nguyên nhân bắn trượt mục tiêu chúng tôi đi đến kết luận rằng tên lửa của Liên Xô không kịp phản ứng trước các động tác né tránh đột ngột của máy bay đối phương.

Ngày hôm sau Mỹ lại cho không quân xuất kích vào buổi sáng. Chúng tôi phóng 2 quả tên lửa và tiêu diệt gọn 2 máy bay cường kích tuần tra A - 2. Tuy nhiên sau khi phóng 2 quả tên lửa này thì khẩu đội của chúng tôi chỉ còn lại đúng 2 quả tên lửa, mà số này phải gửi sang Trung đoàn tên lửa phòng không số 1 nằm ngay sát thủ đô.

Không chỉ chúng tôi mà các trung đoàn tên lửa khác cũng bắt đầu bị thiếu tên lửa. Việc chậm trễ này là do khí tài được chuyển từ Liên Xô bằng đường sắt qua Trung Quốc, trong khi tại đó đang diễn ra Cách mạng văn hóa và các cuộc biểu tình.

Sau khi bắn thành công vài lần, chỉ huy của Trung đoàn chúng tôi, Đại tá Yaroslavtsev ra lệnh chuyển toàn bộ kỹ thuật và khí tài cho các đồng chí Việt Nam. Từ thời điểm này chúng tôi phải ngồi ở vị trí phía sau lưng các chuyên gia Việt Nam trong cabin điều khiển. Trong 2 tuần liền sau đó, máy bay Mỹ hầu như không đi vào vùng trinh sát của chúng tôi. Tuy nhiên trong suốt thời gian đó chúng tôi vẫn tổ chức huấn luyện cho các đồng chí Việt Nam và chuẩn bị cho trận đánh mới. Cuối cùng thì tên lửa cũng được chuyển đến và khẩu đội chúng tôi được đặt trong tình trạng trực chiến cao nhất.

(Còn tiếp)

Lược dịch: Cao Cường (P/v TTXVN tại LB Nga)