Mua hàng trả góp: Con dao hai lưỡi

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, với nhiều người, muốn “có dư” một khoản tiền lớn để mua những vật dụng có giá trị để dùng ngay không phải dễ. Nắm bắt được thực tế này, hàng loạt công ty bán hàng trả góp, công ty tài chính cho vay tiêu dùng cá nhân liên kết với các đơn vị bán hàng liên tục đưa ra các chương trình hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, người mua trả góp rất dễ mắc bẫy lãi suất “cắt cổ”.

Trả góp từ đường phố đến mạng internet

Vài tháng nay, chương trình mua hàng trả góp tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) liên tục nở rộ và ngày càng sôi động với với sự tham gia của nhiều công ty tài chính chuyên nghiệp 100% vốn nước ngoài. Từ trung tâm điện máy lớn đến các cửa hàng điện thoại di động, máy vi tính, xe tay ga, nữ trang… đều treo băng rôn mua hàng trả góp với lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản.

Nếu không cẩn trọng, người mua hàng trả góp rất dễ mắc bẫy lãi suất “cắt cổ”.


Không chỉ mua trả góp tại cửa hàng, chương trình này còn tiếp thị đến tận nhà. Chị Hà Minh, ở chung cư E-home (Q.9, TP.HCM) cho biết: “Ngày nào đi làm về, tôi cũng nhặt được vài tờ rơi giới thiệu bán trả góp nhét ở khe cửa nhà. Mặt hàng chào bán rất phong phú, từ tivi, đầu đĩa, dàn karaoke đến máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, thậm chí xoong nồi… có giá bán từ 1,5 – 10 triệu đồng/sản phẩm”. Theo chị Minh, thủ tục bán hàng trả góp được chào mời hết sức đơn giản: “Không thế chấp tài sản, chỉ cần phôtô CMND, hộ khẩu hoặc KT3”. Phương thức thanh toán thì chỉ cần trả trước từ 10 – 20%, số còn lại nhân viên công ty sẽ tới tận nhà nhận tiền góp theo tuần. Đây là hình thức trả góp tận nhà, do các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp tham gia bán hàng trả góp đến khách.

Ngoài việc quảng cáo tận nhà, các hình thức quảng cáo, giới thiệu và tư vấn mua hàng trả góp trên mạng cũng vô cùng phong phú. Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “trả góp”, trong 0,07 giây đã hiện ra hơn 15 triệu kết quả. Trong đó, có hàng loạt website chuyên về mua bán trả góp như: tragop.com, muahangtragop.com, thietbiso.com, tragoplaptop.com.vn… giới thiệu chi tiết các món hàng, giá tiền, bảng ước tính số tiền góp hàng tháng tùy theo lựa chọn số tiền trả trước và thời gian trả góp. Khách hàng có thể được tư vấn trực tuyến bằng Yahoo chat, điện thoại và nộp đăng ký mua trả góp trực tuyến để công ty tài chính “duyệt”. Khi xong mọi thủ tục, khách hàng có thể mang mọi giấy tờ cần thiết đến cửa hàng để nhận hàng ngay.

Coi chừng mắc “bẫy”

Tuy nhiên, nhiều khách hàng vì cái lợi trước mắt đã quên để ý đến mức lãi suất mà các công ty tài chính, doanh nghiệp bán hàng đưa ra. Thực tế, lãi suất mua hàng trả góp không thấp và hấp dẫn như quảng cáo.

Theo nhân viên một công ty cho thuê tài chính ở TP.HCM, điều kiện vay ở các tổ chức tín dụng thoáng hơn nên rủi ro cũng cao hơn. Ngoài ra, lãi suất của các công ty tài chính luôn cao hơn ngân hàng vì bản thân tổ chức này không được huy động vốn. Do đó, vốn hoạt động có thể phải vay lại từ ngân hàng. Theo đó, mức lãi suất phẳng (lãi suất trả theo dư nợ gốc) áp dụng với mua hàng trả góp là 3,02%/tháng (tương đương 36,24%/năm); lãi suất bậc thang (theo dư nợ giảm dần) lên đến 4,99%/tháng (gần 60%/năm). Đây là lãi suất áp dụng đối với khách quen của công ty. Với khách lần đầu đến vay, mức lãi suất lên đến 5,36%/tháng (hơn 64%/năm).

Đó là chưa kể khi mua hàng trả góp, khách hàng còn gặp nhiều thua thiệt vì phải mua hàng giá đắt hơn trả thẳng bằng tiền mặt. Trong khi trả nợ sớm lại bị phạt, còn trả nợ chậm thì sản phẩm bị thu hồi, thậm chí số tiền đã góp coi như mất trắng do phải trả tiền thuế VAT, tiền khấu hao, tiền lắp đặt… Không chỉ thế, khách hàng còn bị tính thêm phí bảo hiểm tiền vay mà trước khi mua hàng trả góp không hề được nhân viên tài chính tư vấn. Chính vì vậy, nhiều người sau khi mua hàng trả góp đã không khỏi bức xúc vì biết mình bị dính “bẫy” trả góp, khiến dư nợ trả góp tăng lên gần gấp đôi so với dư nợ chưa tính lãi suất và phí bảo hiểm tiền vay.

Theo tính toán của một khách hàng mua xe Honda Air Blade F1 trả góp trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM): Với chiếc xe trị giá 38 triệu đồng, trả trước 19 triệu đồng, số dư nợ 19 triệu đồng còn lại trả góp 24 tháng được tính lãi suất 4,82% /tháng (tính theo dư nợ giảm dần - tương đương gần 58%/năm). Nhưng cộng thêm phí bảo hiểm tiền vay, số tiền vay trả góp lên đến 20.939.000 đồng, lãi suất hàng tháng phải trả là 1.939.000 đồng. Như vậy, nếu góp đủ, tính ra anh còn phải trả đến gần 36 triệu đồng, như vậy anh phải bỏ ra tổng cộng 55 triệu đồng để mua chiếc xe này.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi bán được hàng, nơi bán sẽ có hoa hồng cho công ty tài chính. Do đó, mức lãi 30%/năm quá hấp dẫn với bên cho vay. Vì thế, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TP.HCM, khuyến cáo: Nếu đã mua trả góp, người tiêu dùng nên chọn lãi suất theo dư nợ giảm dần, vì đây mới là lãi suất thực. Về bảo hiểm khoản vay, đây là bảo hiểm không bắt buộc, có lợi cho bên cho vay hơn là người đi vay. Do đó, người đi vay có quyền quyết định mua hay không mua, hoặc thương lượng mức phí hợp lý.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN