Doanh nghiệp “đẩy” hàng tồn kho qua mạng

Ngồi ở nhà hoặc nơi làm việc vẫn mua được món hàng ưng ý, giá rẻ và được giao hàng tận nơi là nguyện vọng của người tiêu dùng nói chung, nhất là khi ai cũng ngại kẹt xe, khói bụi.

 

Ngồi ở nhà hoặc ở công sở, khách hàng cũng có thể mua được món hàng ưng ý.

 

Nắm bắt được thị hiếu của người dân, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ gần đây đã đẩy mạnh bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Đây là giải pháp kinh tế, bởi một mặt vừa tạo dựng thương hiệu, một mặt vừa “đẩy” được hàng tồn kho trong thời điểm này.

 

Giảm hàng tồn


Lên mạng tìm kiếm từ khóa “quần áo trẻ em xuất khẩu”, chị Minh Tuyền (một người tiêu dùng ở Hà Nội) có thể tìm thấy hàng trăm đường link dẫn đến các trang mạng mua bán quần áo trẻ em với nhiều mẫu mã đẹp, phong phú. Không chỉ thế, có nhiều sản phẩm được các trang mua bán trực tuyến rao giảm từ 10 - 50%. Theo chị Minh Tuyền, nhờ các trang thương mại điện tử này, không cần đi đâu xa chị vẫn có thể mua được hàng đẹp lại rẻ.


Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi sức mua giảm, hàng tồn tăng cao. Trong khi đó, các băng rôn khuyến mãi, giảm giá được treo khắp nơi nhưng tình hình vẫn không được cải thiện là bao. Chị Trúc Linh - chủ cửa hàng thời trang trên đường D1 - quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh than thở: “Hầu như khách đến mua hàng đều đòi hỏi hàng mới về, giá phải rẻ. Để thu hút khách, cửa hàng phải thường xuyên nhập hàng mới, trung bình mỗi tuần một lần. Hàng mới về, tất nhiên sẽ khiến hàng cũ tồn. Bao nhiêu vốn liếng, tiền lời đều chôn vào đó cả”. Để đẩy hàng tồn, chị Trúc Linh đã phối hợp với một số trang thương mại điện tử để bán hàng. Theo chị Linh, 100 phiếu giảm giá từ 20 - 40% nhân dịp 20/10 tung ra thông qua trang web mua bán trực tuyến đã được đăng ký hết. Với các phiếu giảm giá này, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến cửa hàng mua sản phẩm đã được rao giảm giá trên mạng hoặc được trang mạng trực tiếp giao hàng.


Tương tự, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực khác như phụ kiện, công nghệ, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… cũng tham gia các trang thương mại điện tử để “đẩy” hàng tồn, đồng thời có cơ hội quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng rộng rãi hơn. Bởi với những người cần thì hàng tồn vẫn có những sản phẩm mới và đẹp, giá cả lại rẻ, hợp túi tiền.


Lợi cả đôi đường


Có thể thấy, hơn một năm trở lại đây, các trang web mua bán trực tuyến liên tục nở rộ, dù không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc phá sản. Theo thống kê không chính thức, có khoảng hơn 9.000 trang web mua bán, rao vặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, các trang web xây dựng một hệ thống mua bán hoàn chỉnh, từ giới thiệu tin tức, rao bán sản phẩm đến đưa hàng tận nơi cho khách… chỉ khoảng vài chục trang. Trong đó, có một số trang được người tiêu dùng đánh giá sôi động và uy tín nhất hiện nay như: 123.vn, enbac.com, hotdeal.vn, muachung.vn, runhau.vn…


Anh Nguyễn Sơn - đại diện trang Kenhkhuyenmai.vn cho biết: “Mặc dù trang web mới đi vào hoạt động được vài tháng nay, nhưng đã có gần 50 doanh nghiệp tham gia. Điều này cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp rất cần đưa sản phẩm của mình đến người tiêu dùng”. Theo anh Sơn, điểm nhấn của các trang thương mại điện tử này là thay vì thụ động ngồi chờ doanh nghiệp tự đem sản phẩm đến với trang web, thì nay các trang web chủ động tìm kiếm doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân các trang web cũng tự xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để thu hút doanh nghiệp như: giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, sản phẩm thường xuyên trên trang web; giúp doanh nghiệp trả lời thông tin khách hàng; xây dựng đội ngũ giao sản phẩm tận nơi khi khách hàng cần; giúp in phiếu khuyến mãi, phát tận nơi đến khách hàng… Chỉ cần trích 10 - 20% giá trị sản phẩm được giao bán, hoặc để trang web hưởng phí vận chuyển với khách hàng (tùy độ xa gần), các doanh nghiệp sẽ yên tâm khi hàng được bán mà không mất nhiều chi phí và thời gian.


Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Hoành Tiến - Phó Tổng Giám đốc VNG, phụ trách mảng Điều hành và Thương mại điện tử của trang web 123.vn, cho hay: “Tận dụng sức mạnh của Internet và sức mạnh của công nghệ, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mới của doanh nghiệp. Thông qua các trang này, doanh nghiệp không chỉ đẩy được hàng tồn mà còn bán được số lượng hàng hóa lớn với chi phí đầu tư thấp. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp hàng và phối hợp kiểm soát số lượng hàng đã bán, hàng tồn kho…, trang web mua bán trực tuyến sẽ thực hiện tất cả các khâu còn lại: Trưng bày hàng trên website, quảng bá tới người dùng Internet, giao hàng, thu tiền…”.


Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng, để xây dựng được thương hiệu, điều cần làm trước tiên là bản thân doanh nghiệp phải cung cấp những hàng hóa có xuất xứ, chất lượng. Nếu thiếu các tiêu chí này, các trang web có quyền từ chối không thông tin sản phẩm. Về phía trang web, bản thân cũng phải xây dựng hệ thống an ninh trong giao dịch trực tuyến nhằm đảm bảo tin cậy, an toàn khi thực hiện các bước mua bán trên mạng. Có như vậy, cả doanh nghiệp lẫn các trang thương mại điện tử mới có thể “sống khỏe” trong thời điểm này.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN