Cố gắng đảm bảo cân đối cung cầu điện, than, phân bón cuối năm

Tại buổi giao ban trực tuyến tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10 được Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (8/11), các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế trong các lĩnh vực điện, than, phân bón... đã báo cáo với Bộ Công Thương về nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh đã chỉ đạo các đơn vị cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Khắc phục khó khăn trong cung cấp điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 10 tháng qua, tổng lượng nước về các hồ thủy điện của cả nước hụt 37,3 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, tương ứng với sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 6,84 tỷ kWh. Sản lượng điện trung bình đạt 279,7 triệu kWh/ngày. Điện sản xuất của EVN trong tháng 10 là 5,188 tỷ kWh (riêng thủy điện chỉ đạt 2,155 tỷ kWh, giảm 26,53% so với cùng kỳ), còn điện mua ngoài là 3,222 tỷ kWh (trong đó điện mua của Trung Quốc là 493 triệu kWh).

Vận chuyển phân đạm tại Nhà máy đạm Phú Mỹ đi tiêu thụ.
Ảnh: Hà Thái - TTXVN

Đến tháng 11, 12 dự kiến khả năng các DN tăng tốc sản xuất nên nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng. Trong khi đó, EVN dự báo, tháng 11 này vẫn còn khả năng mưa, bão, lũ ở khu vực miền Trung. Tình hình cung cấp điện vẫn tiếp tục khó khăn, hệ thống điện thiếu công suất đỉnh do các nhà máy nhiệt điện than mới vận hành chưa tin cậy, một số tổ máy nhiệt điện khác phải ngừng sửa chữa theo yêu cầu.Dự kiến trong tháng 11/2010, sản lượng điện trung bình toàn hệ thống ở mức 280 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 15.500 - 16.000 MW. Hệ thống điện Quốc gia tiếp tục không có dự phòng.

EVN cho biết, cùng với việc phát điện, hiện nay, các nhà máy thủy điện đang khai thác để đảm bảo tích nước ở mức cao nhất có thể, hồ Sơn La tích lên mức nước 190 m. Do đó, để đảm bảo đủ điện cho các tháng cuối năm, các nguồn nhiệt điện than, tua bin khí được huy động tối đa, nhiệt điện dầu được huy động theo tình hình vận hành cụ thể, đồng thời tiếp tục mua điện Trung Quốc ở mức tối đa.

Chỉ cung cấp đủ than cho các hợp đồng đã ký

Khai thác than sạch tháng 10 ước đạt 3,5 triệu tấn, tăng 21,5% so với tháng 9 nhưng chỉ bằng 83,9% so với tháng 10/2009; tính chung 10 tháng ước đạt 35,5 triệu tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ.

Việc bán than thực hiện theo chủ trương giảm dần bán than xuất khẩu để tập trung cho thị trường trong nước. Theo đó, sản lượng than đá xuất khẩu 10 tháng ước đạt 15,5 triệu tấn, chỉ bằng 77,9% cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu tăng 55,0% nên đưa kim ngạch xuất khẩu tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tiêu thụ than cho các hộ trong nước 10 tháng ước đạt 19,0 triệu tấn, tăng 16,0% so với cùng kỳ, trong đó: Hộ điện 6,8 triệu tấn, tăng 29,0%; hộ xi măng ước 4,1 triệu tấn, tăng 26,0%. Lượng tồn kho than thành phẩm 4,8 triệu tấn, trong đó than tiêu chuẩn Việt Nam khoảng 2,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), các ngành sản xuất tiêu thụ như xi măng hiện có nhu cầu tiêu thụ than rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của TKV thì có hạn nên TKV chỉ cung cấp than theo các hợp đồng đã ký từ trước. TKV cũng cho biết đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục điều chỉnh về giá than để hạn chế việc mất cân đối sản xuất - tiêu thụ.

Hai tháng cuối năm, ông Hùng cho biết, ngành than sẽ tập trung mở rộng các mỏ than hiện có và tăng các mỏ mới để giải quyết vấn đề thiếu than. Hiện nay, khó khăn trong ngành than và cũng là khó khăn chung của các ngành công nghiệp đặc thù là tình trạng thiếu lao động hoặc lao động di chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn. Điều này gây khó khăn cho việc duy trì sản xuất cũng như nâng cao sản lượng than đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân trong hiện tại và những năm tiếp theo.

Đến năm 2012, chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ than lên tới 6 triệu tấn. Từ thực tế này, ông Hùng đề nghị cần xác định trình tự ưu tiên để cấp than cho hợp lý.

Không để thiếu phân bón

Ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VICHEM) cho biết, 9 tháng 2010, tiêu thụ phân bón không cao, giá giảm từ 30 - 40%. Tuy nhiên, từ tháng 10, thị trường phân bón lại đảo chiều, giá phân bón trong nước tăng nhanh do giá thế giới tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng, Trung Quốc tăng thuế XK phân bón... Giá phân bón tăng mạnh vào thời điểm trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân khiến cả người tiêu dùng, đại lý trung gian đều có xu hướng tăng dự trữ hàng, còn dẫn đến nguy cơ khan hàng.

Tại kho lúa giống của công ty Bình Minh. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Tại thị trường phía Nam, tình hình mất cân đối cung cầu đạm urê đã xảy ra. Do giá đạm urê Phú Mỹ niêm yết trong hệ thống phân phối chỉ là 6.800 đồng/kg, thấp hơn 1.200 đồng/kg so với giá đạm nhập khẩu và giá đạm sản xuất trong nước bán trên thị trường nên một số tư nhân đã tổ chức thu gom, tích trữ, tạo nên tình trạng khan đạm Phú Mỹ. Trong khi đó, với năng lực sản xuất hiện nay, Tổng công ty Hóa chất và Phân bón Dầu khí chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường; còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón với khó khăn thiếu ngoại tệ, chênh lệch giá nên do dự trong việc nhập khẩu phân bón. Bộ Công Thương lo ngại, nhu cầu phân bón tiếp tục tăng trong khi lượng tồn kho của doanh nghiệp mỏng, giá nhập khẩu, tỷ giá ở mức cao nên giá phân bón trong nước sẽ còn tăng.

Trước tình hình này, theo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần đánh giá chính xác về nhu cầu tiêu thụ phân bón để chủ động trong sản xuất và nhập khẩu. Các DN sản xuất, kinh doanh phân bón cần thực hiện nghiêm chỉ đạo không xuất khẩu các loại phân bón như urê, DAP... để tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước. Để bổ sung nguồn cung phân bón trong nước, VICHEM cũng cho biết sẽ tích cực đẩy nhanh bàn giao Nhà máy DAP Hải Phòng để giảm nhập khẩu DAP...

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN