Nhân ngày quốc tế người khuyết tật 3/12:

Tấm lòng yêu thương đối với trẻ kém may mắn

Chúng tôi đến thăm trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An, đặt tại phường 7, thành phố Tân An (Long An) vào một ngày cuối tháng 11. Trong khuôn viên trường rộng rãi, sạch sẽ và thoáng mát, tiếng cười đùa khe khẽ của trẻ vọng đến, tạo cảm giác như được lạc vào thế giới tuổi thơ.

Lần theo tiếng cười ấy đến một phòng chức năng của trường, hình ảnh hai cô trò đập vào mắt chúng tôi - cô say sưa hướng dẫn luyện tập, trò chăm chú làm theo. Cô Nguyễn Thị Trúc đang trong giờ dạy cháu Trần Tiến nhận biết đồ vật, màu sắc khác nhau. Cô hướng dẫn cho cháu gắn đèn lên cây thông Noel với những cử chỉ dịu dàng, âu yếm, làm cho cháu Tiến cảm mến và răm rắp thực hiện đúng chỉ dẫn của cô.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ấp An Hòa 2, Xã Bình An, huyện Thủ Thừa, mẹ cháu Trần Tiến cho biết, đã 8 tuổi nhưng cháu Tiến chưa biết nói chuyện, mặc dù vẫn nghe người khác nói với cháu. Khi nghe thông tin về trường nuôi dạy trẻ khuyến tật tỉnh, gia đình vui mừng đem cháu đến trường. Vào trường học, được cô giáo dạy cách ứng xử, trò chơi sinh động nên từ nhút nhát, nay cháu Tiến đã hoạt bát và chịu tiếp xúc với người lạ.

Chị Trúc chuẩn bị cây thông Noel cho trẻ khuyết tật đón Giáng sinh.

Chị Kim Thoa vui mừng nói thêm: “Đưa cháu đến trường học, tôi rất yên tâm và tin tưởng sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Trúc. Cô chỉ dẫn từng li, từng tí, lắm khi dạy trò chơi cho con nít phải bò theo các cháu luôn. Ở nhà, gia đình chưa bao giờ chỉ dạy nhiệt tình như cô. Cô Trúc giống như là một người mẹ thứ 2 của cháu Tiến”.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, cô Nguyễn Thị Trúc xin về công tác tại trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An đến nay. Qua nhiều năm gắn bó với nghề, cô đã truyền tình yêu thương của mình cho các trẻ kém may mắn.

Cô Trúc cho biết, khi nộp hồ sơ thi vào Trường Cao đẳng sư phạm, lúc đầu cô chưa biết được ngành này như thế nào. Đỗ vào trường, những tiết học của năm đầu chỉ toàn lý thuyết, cô Trúc vẫn chưa thật sự yêu nghề. Mãi đến năm thứ 2 và 3 đi thực tế, nhìn các bé đôi mắt long lanh, hồn nhiên, đặc biệt với các em khuyết tật, trong tim cô cảm thông và tự nhủ phải có trách nhiệm chăm sóc các cháu kém may mắn này.

Quá trình công tác, cô được phân công dạy trẻ khiếm thính. Với công việc này, cô vừa dạy trẻ theo chương trình bình thường, vừa phải dạy theo một phương pháp riêng để các em lắng nghe có hiệu quả. Ngoài giờ lên lớp, cô Trúc dành thời gian tìm hiểu về khuyết tật của trẻ để có phương pháp, giáo án dạy phù hợp.

Cô Trúc tâm sự: “Tiếp xúc các cháu nhiều, tôi càng thương các bé. Các cháu khi sinh ra có vấn đề về tâm lý, về những khiếm khuyết, không được như những đứa trẻ khác nên rất thiệt thòi. Những bé khiếm thính không được nghe những âm thanh đơn giản như tiếng nói chuyện với nhau, vì vậy bản thân tôi phải tìm hiểu sao giúp các bé nghe được những âm đơn giản như tiếng trống hay là tiếng vỗ tay để cháu quen dần dần. Sau đó, nói chuyện với cháu trong cách dạy giúp cháu quen với môi trường ngôn ngữ, thôi thúc bé nghe được”.

Về kinh nghiệm dạy của mình, cô Trúc chia sẻ, sau khi dạy cho bé 1 ngày lại đánh giá những gì đạt và chưa đạt. Đối với những việc chưa đạt thì rút kinh nghiệm, làm kế hoạch hướng dẫn tiếp để hiệu quả hơn, trong đó chú ý đến kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho bé. Cụ thể, cô tìm những biện pháp như chơi thử với bé, tìm hiểu đặc điểm sở thích của bé để đưa ra những kế hoạch, trò chơi thu hút bé. Nhiều trò chơi đã thu hút các cháu như: Trò chơi màu sắc tạo sự chú ý đối với các bé rất nhát; trò chơi lật hình giúp bé tăng khả năng trí nhớ; trò chơi trang trí cây thông, chơi thả bi, chơi thổi bông bông... rèn luyện sự khéo léo, tạo khả năng hoạt bát, hòa nhập của các cháu.

Có được những kinh nghiệm đó, cô Trúc dành nhiều thời gian làm đồ chơi để cuốn hút các bé từ những trò chơi. Cô mua sách về các trò chơi khám phá tâm sinh lý của bé theo từng giai đoạn. Rồi cô sáng tạo trò chơi như vặn nút chai, sử dụng những viên bi cho chạy vào chai nhìn trên mạng để làm; lựa màu, thổi bông để cho trẻ giúp luyện tập hơi thở cho bé; tập những trò chơi luyện môi đối với những bé chưa phát triển lời nói, ngôn ngữ...

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An nhận xét: Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc nhiều năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Năm học 2016 - 2017, cô được lãnh đạo nhà trường phân công đảm nhận nhiệm vụ mới là công tác can thiệp trẻ dưới 6 tuổi. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới, đòi hỏi người giáo viên chuẩn bị rất nhiều đồ dùng, các hình thức, phương pháp tổ chức dạy học cho một đứa trẻ dưới 6 tuổi. Ban giám hiệu trường ghi nhận tinh thần tận tụy của cô.

Trong cuộc sống, việc chăm sóc, dạy bảo đối với những trẻ bình thường đã vất vả nhưng nuôi dạy trẻ kém may mắn, khuyết tật lại khó khăn gấp nhiều lần. Cô Nguyễn Thị Trúc với tấm lòng yêu thương đã gắn bó, tâm huyết chăm sóc các cháu kém may mắn như thể con ruột của mình - một tấm gương thật đáng trân trọng và nhân rộng.
Thanh Bình
Lao động Việt tại Hàn Quốc hướng về trẻ khuyết tật trong nước
Lao động Việt tại Hàn Quốc hướng về trẻ khuyết tật trong nước

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã hào hứng tham gia giải bóng đá với chủ đề “Cho em một đôi chân” nhằm gây quỹ từ thiện giúp đỡ các trẻ em khuyết tật ở trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN