Mua tạm trữ muối để diêm dân bớt gánh nặng

Nhiều diêm dân nhận định, làm ra hạt muối đã nhọc nhằn nhưng việc “đổi” muối ra tiền còn gian nan hơn.

Thu hoạch muối tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, nắng nóng kéo dài, thời tiết rất thuận lợi cho việc sản xuất muối. Thế nhưng, giá muối lại giảm sâu khiến việc tiêu thụ muối trở nên hết sức khó khăn, lượng muối tồn đọng lớn.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân để bình ổn giá, giúp người sản xuất.

Vẫn bài “được mùa mất giá”

Cả nước hiện có 118 xã, 41 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố có nghề sản xuất muối. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 20-5-2016, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.839 ha.

Trong đó, diện tích sản xuất muối thủ công đạt 10.446 ha; diện tích sản xuất muối công nghiệp đạt 4.313 ha. Sản lượng muối 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 827.359 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2015.

Do đặc thù của sản xuất muối là sản xuất theo mùa vụ nên lượng muối tồn chờ tiêu thụ trong vụ sản xuất thường lớn dẫn đến giá muối từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm, nhất là tại khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Muối loại tốt đang được bán với giá khoảng 300 nghìn đồng/tấn, loại xấu chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Theo tính toán của diêm dân, muốn có lãi, giá muối bán ra phải đạt từ 400-500 nghìn đồng/tấn.

Ninh Thuận được xem là “thủ phủ” muối của cả nước với tổng diện tích sản xuất hơn 3.500 ha, trong đó có gần 2.900 ha muối công nghiệp và trên 650 ha muối nền đất (muối do diêm dân sản xuất theo phương thức truyền thống).

Trong ba tháng đầu năm 2016, sản lượng muối diêm dân thu hoạch hơn 57.000 tấn, tăng gần 10.000 tấn so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, hàng trăm hộ làm muối đang “đắng lòng” khi các thương lái thu mua với giá chỉ từ 100-150 nghìn đồng/tấn muối nền đất và từ 350-400 nghìn đồng/tấn muối trên ruộng có trải bạt phân ô kết tinh. Nhiều diêm dân đang lao đao vì giá muối thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm 2015.

Cánh đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) - vựa muối của miền trung - có tổng diện tích gần 120 ha, là nguồn sinh nhai của trên 550 hộ với hơn 2.400 lao động. Sản lượng muối mỗi năm từ 8-9 nghìn tấn. Thương hiệu “Muối Sa Huỳnh” cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2011.

Diêm dân vận chuyển muối thu hoạch tại cánh đồng muối HTX Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Nhưng ở thời điểm này, việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn. Thương hiệu “Muối Sa Huỳnh” cũng không giúp muối Sa Huỳnh có được đầu ra dễ dàng và giá cả ổn định hơn. Việc sản xuất muối bấp bênh khiến nhiều hộ quay lưng với nghề truyền thống. Hiện tại, dù đang thời điểm chính vụ, nhưng gần 50% diện tích đang bị bỏ hoang.

Hợp tác xã muối 1-5, xã Ninh Diêm, là hợp tác xã sản xuất muối lớn nhất Nam Trung bộ với gần 500 xã viên, sản xuất hơn 100 héc ta muối. Trước tình trạng giá muối giảm sâu, xã viên thua lỗ, Hợp tác xã dự định sẽ phải cắt giảm diện tích sản xuất xuống còn 2/3 so với hiện nay…

Giá muối quá thấp nên nhiều diêm dân đã chọn giải pháp cố trữ muối để chờ giá lên. Tính đến cuối tháng 5-2016, lượng muối tồn trong diêm dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ước đạt trên 828.000 tấn, tăng 66% so với cùng kỳ 2015.

Cần có chính sách mang tính chiến lược

Muối tồn đọng do khó tiêu thụ không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, lần này muối tồn đọng và khó tiêu thụ đã diễn ra ở mức trầm trọng.

Để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, vừa qua, các địa phương như: Bến Tre, Ninh Thuận, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh… đã phối hợp các doanh nghiệp thu mua tạm trữ muối, đồng thời có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho diêm dân. Nhưng do các doanh nghiệp thu mua với số lượng có hạn, hoặc giá thu mua chưa thỏa đáng, cho nên lượng muối tồn vẫn rất lớn.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thực hiện nhiệm vụ mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân, bảo đảm việc mua tạm trữ có tính đến sản lượng muối của từng địa phương và ưu tiên mua tạm trữ tại địa phương có muối tồn đọng lớn.

Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm mục tiêu bình ổn giá muối trên thị trường giúp cho người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hóa chất ưu tiên sử dụng muối sản xuất trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu chất lượng cho sản xuất hóa chất và giá cả không quá cao so với muối nhập khẩu.

Sản xuất muối ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, kỹ thuật lạc hậu, công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào sản xuất muối chưa được quan tâm đúng mức. Các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí, diện tích... và đa phần mang tính tự phát.

Do đó, chất lượng muối chưa cao, dẫn đến nguồn cung trong nước thì dư thừa mà nhiều doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài.

Do vậy, về lâu dài, ngành muối cần có chính sách mang tính chiến lược cho phát triển ổn định và bền vững, kịp thời thay đổi phương thức sản xuất hiện đại thông qua đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật thay vì sản xuất muối thủ công như hiện nay. Có vậy mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ muối từ nay đến năm 2020 vào khoảng hơn 2 triệu tấn/năm, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự báo.

Minh Duyên (TTXVN)
Đổ xô mua muối tích trữ
Đổ xô mua muối tích trữ

Những ngày qua, người dân Hà Tĩnh đổ xô đi mua muối tích trữ khiến giá muối liên tục tăng, từ 2.500 lên đến 5.000 đồng/kg. Mặc dù đắt gấp đôi so với giá cũ nhưng người dân vẫn tiếp tục đi mua do tin đồn giá tăng là do muối trong kho đã hết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN