06:17 17/06/2011

Tủ sách biên phòng - “điểm sáng” vùng biên giới

Được củng cố và phát triển mạnh vào năm 2005, tủ sách ở đồn biên phòng Tây Ninh đã mang lại niềm vui, nguồn giải trí cho các chiến sĩ sau những giờ làm việc với nhiệm vụ bảo vệ biên cương; dần trở thành “người bạn” không thể thiếu của những chàng lính biên phòng Tây Ninh.

Được củng cố và phát triển mạnh vào năm 2005, tủ sách ở đồn biên phòng Tây Ninh đã mang lại niềm vui, nguồn giải trí cho các chiến sĩ sau những giờ làm việc với nhiệm vụ bảo vệ biên cương; dần trở thành “người bạn” không thể thiếu của những chàng lính biên phòng Tây Ninh.

“Người bạn” giữa rừng xanh

Đóng quân ở sâu trong rừng, đối với người lính biên phòng, ngoài những giờ giao lưu văn nghệ, chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe, tủ sách tại các đồn biên phòng đã và đang là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của các chiến sĩ. Hầu hết các tủ sách của các đồn biên phòng ở Tây Ninh, trung bình hiện có khoảng 1.000 đầu sách và 20 loại báo, tạp chí khác nhau.

Dù kinh phí của các đơn vị còn khá hạn hẹp nhưng các đồn đều khắc phục khó khăn, cố gắng làm phong phú cho tủ sách bằng các nguồn khác nhau. Thiếu tá Đặng Văn Kiểm, Phó đồn trưởng đồn biên phòng Tân Phú cho biết: Ngoài nguồn sách, báo mua từ quỹ đơn vị, kinh phí của cấp trên cấp, nguồn xã hội hóa… các tổ chức, đoàn thể, đơn vị kết nghĩa như Thông tấn xã Việt Nam cũng thường xuyên tặng sách, báo, máy tính, giúp tủ sách thêm phong phú. Nhờ sự đa dạng đó, tủ sách giúp chiến sĩ nâng cao kiến thức, xây dựng tác phong, giữ vững lập trường chính trị của mình. Đây là nguồn giải trí bổ ích cho các chiến sĩ đóng trú ở rừng sâu. Đối với những trạm ở xa, đồn cũng linh hoạt cho mượn để đọc hằng ngày. Bên cạnh đó, thông qua các sách pháp luật, cán bộ, chiến sĩ cũng nâng cao nhận thức về xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật như khi tham gia giao thông…

Các chiến sĩ đọc sách báo tại phòng sinh hoạt chung.


Tại đồn biên phòng Tân Bình, một đồn trẻ tuổi nhất của biên phòng Tây Ninh (thành lập năm 2007), chiến sĩ Nguyễn Văn Tâm, người được đồng đội đặt biệt danh “mọt sách”, cho biết: Những giờ rảnh rỗi, chúng tôi thường đọc sách, vừa giải trí vừa nắm bắt thông tin, nâng cao trình độ cho bản thân. Tôi thích nhất là đọc những mẩu chuyện về Bác, đó là những bài học quý giá về tình người, về đối nhân xử thế… hiểu hơn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ đó giúp tôi hoàn thiện mình hơn”.

Do ở sâu trong rừng nên báo, tạp chí thường đến trễ hơn một ngày. Nhưng các chiến sĩ đều vui vẻ vì đó là nguồn giải trí bổ ích sau ngày dài mệt mỏi tuần tra. Ngoài giờ đọc sách báo theo quy định của Cục Chính trị, nhiều anh em tự giác đọc vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Việc đọc sách, báo đã góp phần nâng cao nhận thức của chiến sĩ, nề nếp chính quy và chấp hành pháp luật tốt hơn.

“Làm giàu” nhờ tủ sách

Thời gian đầu, do đường vào các đồn biên phòng còn rất khó khăn, nên mỗi năm, thư viện tỉnh Tây Ninh chỉ có thể luân chuyển sách 2 lần cho các đồn. Nhưng từ năm 2005, Thư viện tỉnh đã “chi viện” cho các đồn 100 đầu sách mỗi quý, đồng thời luân chuyển thường xuyên nên sách, báo cũng đa dạng hơn. Thiếu tá Triệu Ngọc Am, Chính trị viên của Đồn biên phòng cửa khẩu Xa Mát cho biết: “Nhờ có tủ sách này mà anh em chúng tôi, dù ở vùng biên cương xa xôi, hẻo lánh vẫn nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin trong và ngoài nước. Tủ sách mở cửa phục vụ cán bộ, chiến sĩ suốt ngày đêm. Những chiến sĩ trực ở các chốt, trạm ở xa được đơn vị cho mượn sách, báo về đọc”.

Bên cạnh việc nâng cao kiến thức, nhận thức chính trị, thì việc đọc sách cũng giúp cho các đồn “làm giàu”. Thiếu tá Đặng Văn Kiểm chia sẻ: Thời gian gần đây, tình hình tăng gia sản xuất của đơn vị được thực hiện rất tốt. Ngoài nỗ lực của anh em, thì các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi được thu thập trong các sách, báo được áp dụng vào sản xuất của đồn. Thông qua đó, nhiều chiến sĩ đã có những đề xuất, sáng kiến giúp tăng năng suất rau quả, rút ngắn thời gian trồng trọt… Tủ sách biên giới ngoài “chức năng” giải trí, nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, còn góp phần giúp anh em thực hiện nhiệm vụ giữ vững ổn định nơi biên giới. Hơn ai hết, những chiến sĩ biên phòng là người bám sát cơ sở, gần gũi với đồng bào biên giới và được đồng bào yêu mến nhất. Do đó, người lính biên phòng cũng chính là cán bộ văn hóa để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến đồng bào thuận lợi nhất.

Tủ sách biên phòng thật sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là “người bạn” giữa rừng xanh của các chiến sĩ, giúp cho họ quên đi những mệt nhọc sau những giờ tuần tra giữ yên bờ cõi của Tổ quốc. Và đây cũng là “viên gạch quý” trong việc xây dựng điểm sáng văn hóa nơi biên giới.

Bài và ảnh: Vũ Tiến Lực