08:09 24/08/2011

Tự phát “đóng cửa” nhà máy vì cho rằng gây ô nhiễm

Với lý do ô nhiễm môi trường, một nhóm người đã chở bê tông, đổ thành “bờ tường” để chặn mọi hoạt động ra vào Nhà máy bột cá Thụy Hải. Việc làm này kéo theo trên 250 đôi tàu với 3.000 ngư dân và hàng nghìn người làm dịch vụ phụ trợ lâm vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”, mất đi nguồn thu…

Với lý do ô nhiễm môi trường, một nhóm người đã chở bê tông, đổ thành “bờ tường” để chặn mọi hoạt động ra vào Nhà máy bột cá Thụy Hải. Việc làm này kéo theo trên 250 đôi tàu với 3.000 ngư dân và hàng nghìn người làm dịch vụ phụ trợ lâm vào cảnh “ngồi chơi, xơi nước”, mất đi nguồn thu…

Ngày 8/8/2011, Công ty TNHH chế biến thủy sản Thụy Hải đã bị một nhóm khoảng 15 người, phần lớn không liên quan đến nghề đi biển và không phải là ngư dân, tập trung trước cửa nhà máy. Với lý do là nhà máy gây ô nhiễm, nhóm người này đã yêu cầu nhà máy phải đóng cửa và ngang nhiên đổ bê tông ngăn chặn mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Ngay lập tức nhà máy đã điện thoại báo chính quyền xã, huyện và mặc dù lực lượng chính quyền các cấp đã có mặt để giải thích, thuyết phục nhóm người này dừng việc đổ bê tông, nhưng cũng không thể ngăn cản hành vi vi phạm pháp luật này.

Điều đáng nói là về lý do ô nhiễm môi trường, tháng 5/2011 vừa qua, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường tỉnh đã có đợt kiểm tra quan trắc môi trường định kỳ với Nhà máy chế biến thủy sản Thụy Hải. Kết quả quan trắc đã kết luận: Các hoạt động của công ty ảnh hưởng không đáng kể đến môi trường sinh thái xung quanh khu vực.

Hành vi đóng cửa nhà máy gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. Không những thế, trong lúc chờ phương án giải quyết của chính quyền cơ sở, trên 250 đôi tàu với 3.000 ngư dân và hàng nghìn lao động hậu cần cho nghề khai thác loài “cá lợn” đặc trưng nơi cửa biển Thái Thụy đành “ngồi chơi xơi nước”, mất đi nguồn thu.

Theo các ngư dân, mỗi đôi tàu, với 20 lao động trực tiếp, cứ trung bình 3 ngày đi biển sẽ có thu khoảng 3 tấn “cá lợn”, bán với giá 4.000 đồng/kg đem lại thu nhập khoảng 12 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Lệ (khu Bến Cũ, Diêm Điền) cho biết: Để có tàu, 3 hộ gia đình đã phải thế chấp 3 “bìa đỏ” cho ngân hàng để vay 800 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình có thu nhập khoảng 40 triệu đồng, trừ lãi ngân hàng, vẫn còn 20 triệu đồng. Thế mà nay, nhà máy bị “đóng cửa”, cá không biết bán cho ai, tàu nằm bờ, lao động ngồi chơi.

Vậy nhà máy có gây ô nhiễm hay không? Xử lý việc đổ bê tông ngăn cản trái phép nhà máy hoạt động thế nào?... là những câu hỏi cần được cơ quan chức năng sớm trả lời.

Tin, ảnh: Sơn Duy