09:21 28/09/2011

Từ lời nói đến hành động...

Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã đệ đơn đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận Palextin là thành viên đầy đủ của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Đây rõ ràng là một bước đi logic và hợp lý...

Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas đã đệ đơn đề nghị Liên hợp quốc (LHQ) công nhận Palextin là thành viên đầy đủ của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Đây rõ ràng là một bước đi logic và hợp lý. Palextin rõ ràng là một dân tộc theo đúng nghĩa đơn giản và quan trọng nhất của nó - tức là trong tâm trí, họ luôn ý thức rằng họ là một dân tộc. Các dân tộc được tạo ra bởi các bối cảnh lịch sử, và các bối cảnh lịch sử đó đã tạo ra một dân tộc Palextin. Theo nguyên tắc của LHQ và thuyết về quyền tự quyết của dân tộc - vốn là nền tảng đạo đức của học thuyết hiện đại về chủ nghĩa dân tộc - một dân tộc có quyền thành lập một nhà nước, và nhà nước đó có một vị trí trong gia đình các quốc gia. Theo ý nghĩa này, nỗ lực của Palextin không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, Mỹ đã công khai và liên tục phản đối nỗ lực trên của Palextin, đồng thời dọa sẽ bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Việc Mỹ vì muốn bảo vệ lợi ích của Ixraen mà sử dụng đặc quyền này của một thành viên thường trực HĐBA khiến bước đi đầu tiên của người Palextin để được công nhận là nhà nước độc lập có nguy cơ trở thành một động thái mang tính biểu tượng hơn là một quá trình thực tế. Nói một cách khác, nếu Mỹ phủ quyết đề nghị trên, thì chẳng khác nào họ ngăn cản việc đạt được giải pháp hai nhà nước mà chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cổ súy suốt ba năm qua.

Thực vậy, các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Ixraen và Palextin đã khó khăn lắm mới nối lại được cách đây một năm, nhưng đã nhanh chóng bị đình hoãn mà chẳng đạt kết quả khả quan nào. Lý do là Ixraen không chịu kéo dài thời gian tạm ngừng các hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái trên các phần đất mà họ chiếm đóng bất hợp pháp của Palextin trong cuộc chiến tranh năm 1967. Ixraen đã cho xây dựng thêm hàng nghìn căn hộ mới ở Bờ Tây và cả Đông Jerusalem – nơi mà người Palextin sẽ đặt thủ đô của Nhà nước Palextin tương lai. Palextin và dư luận quốc tế trong đó có nhóm Bộ Tứ về Trung Đông - gồm LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga - đều lên án hành động này của Ixraen. EU khẳng định chính sách của Ixraen đang gây tổn hại cho triển vọng đạt được giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Hơn nữa, hành động này đi ngược lại luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, vi phạm Nghị quyết 1515 của HĐBA LHQ về lộ trình hòa giải dẫn tới hai quốc gia.

Đứng trên bục phát biểu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Abbas khẳng định đơn xin gia nhập LHQ của Palextin không phải là nhằm “cô lập hay làm mất đi tính chính đáng của Ixraen”, mà nhằm chống lại sự chiếm đóng và xây các khu định cư Do Thái. Bước đi của Palextin là hợp lý và cần thiết. Hơn 120 quốc gia đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực này của Palextin. Trước một sự đồng thuận quốc tế lớn như vậy, lá phiếu phủ quyết trong trường hợp này sẽ trở nên đơn độc.

Bạch Dương