Xung quanh vụ Mỹ phá đường dây điệp viên Nga ở New York

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngày 26/1 thông báo đã phá một đường dây điệp viên Nga bị cáo buộc là đánh cắp thông tin kinh tế, trong đó có thông tin về thị trường Mỹ và các lệnh trừng phạt nhằm vào ngân hàng Nga.

FBI thông báo vừa phá một đường dây điệp viên Nga tại New York.


Theo đơn kiện của đặc vụ FBI Gregory Monaghan đệ trình tòa án liên bang Manhattan, Evgeny Buryakov (hay còn gọi là Zhenya), người bị nghi là điệp viên Nga, đã vào vai đại diện văn phòng một ngân hàng Nga tại New York. Buryakov bị cáo buộc làm việc cho Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR) để thu thập thông tin tình báo và chuyển về Moscow.

Đơn kiện của FBI còn có một số cáo buộc chấn động như cho rằng nhân viên một tờ báo hàng đầu của Nga tại Mỹ cũng tham gia vào hoạt động gián điệp và cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã cài rệp nghe lén văn phòng ở New York của SVR.

Cụ thể, Buryakov bị cáo buộc là làm việc với hai người đàn ông liên quan tới hoạt động thu thập thông tin tình báo cho SVR là Victor Podobnyy và Igor Sporyshev. Sporyshev là đại diện thương mại của Liên bang Nga tại New York, còn Podobnyy là tùy viên phái đoàn thường trực của Nga tại Liên hợp quốc. Hiện hai người này không còn ở Mỹ.

FBI cáo buộc Buryakov tội danh “âm mưu làm điệp viên không đăng ký của một chính phủ nước ngoài” và “làm điệp viên không đăng ký của một chính phủ nước ngoài”. Buryakov bị cáo buộc hai tội danh này do vào vai một người bình thường trong khi bản thân lại làm việc cho SVR. Theo luật Mỹ, những người làm đại diện cho một chính phủ nước ngoài ở Mỹ phải đăng ký với Bộ Tư pháp và Buryakov đã không thực hiện điều này. Còn với Podobnyy và Sporyshev, hai người này không bị bắt do có chức danh rõ ràng và có quyền miễn trừ ngoại giao.

Trong khi ở đất Mỹ, cả Buryakov, Sporyshev và Podobnyy đều bị cáo buộc làm việc cho một đơn vị đặc biệt của SVR có tên “Ban giám đốc ER” vốn tập trung vào các vấn đề kinh tế. Ngoài việc chuyển báo cáo của Buryakov về trụ sở SVR tại Moscow, Podobnyy và Sporyshev còn tham gia vào các hoạt động tình báo khác như “tìm cách tuyển mộ người dân New York làm nguồn tin tình báo cho Liên bang Nga”. Những người mà Podobnyy và Sporyshev muốn tuyển dụng là một số nhân vật làm việc tại các công ty lớn của Mỹ, một số phụ nữ trẻ có quan hệ với một trường đại học lớn ở New York cùng một số người gốc Nga liên quan tới trường đại học trên.

Buryakov bị cáo buộc đã tổ chức gần 50 cuộc gặp, dùng phương pháp bí mật và thông điệp mã hóa để liên lạc với các điệp viên SVR khác. Trong một số cuộc gặp điển hình, Buryakov thường chuyển một cái túi, một quyển tạp chí hoặc một tờ giấy cho Sporyshev. Các cuộc gặp này thường diễn ra bên ngoài thay vì trong không gian kín để giảm nguy cơ bị theo dõi. Trong một lần liên lạc bị FBI nghe lén, Sporyshen và Buryakov đã nói rằng họ cần phải gặp nhau để chuyển một thứ gọi là “vé”, cho dù FBI khẳng định họ chưa bao giờ tham gia các sự kiện nào cần có vé.

Trong một lần, Sporyshev không gặp trực tiếp Buryakov mà nói chuyện qua điện thoại. Trong cuộc nói chuyện đó, Sporyshev đã nhờ Buryakov giúp hệ thống lại những câu hỏi được dùng để thu thập thông tin tình báo mà phóng viên của một tờ báo Nga thường hỏi. Mặc dù tên tờ báo này không được nêu rõ nhưng đơn kiện của FBI cho biết, một số cựu đặc vụ SVR đã công khai xác nhận rằng tờ báo này thỉnh thoảng được tình báo Nga dùng để tiếp cận và thu thập thông tin tình báo dưới vỏ bọc báo chí.
Trong một đoạn nói chuyện bị FBI nghe lén, Buryakov đã bảo Sporyshev khuyến khích tờ báo nói trên hỏi về quỹ đầu tư chứng khoán ETF. Buryakov nói: “Anh có thể hỏi về ETF. Cách các quỹ này được sử dụng, cơ chế sử dụng để làm bất ổn thị trường”. Buryakov còn hướng dẫn Sporyshev các câu hỏi về giao dịch liên quan tới sản phẩm của Nga: “Anh có thể hỏi họ nghĩ gì về việc hạn chế sử dụng robot giao dịch. Anh cũng có thể hỏi về lợi ích của người tham gia giao dịch sản phẩm của Nga”.

Một lần FBI cũng nghe lén được Buryakov nói chuyện với một nguồn tin mật. Nguồn tin này đóng giả làm đại diện của một nhà đầu tư giàu có. Nguồn tin nói với Buryakov rằng ông chủ của họ muốn làm việc với ngân hàng của Buryakov để phát triển sòng bạc tại Nga.


Theo FBI, trong các cuộc gặp với nguồn tin mật này, Buryakov đều cho biết anh ta rất muốn có thông tin về các chủ đề ngoài lĩnh vực ngân hàng và với tư cách là một điệp viên tình báo Nga, anh ta sẵn sàng thương lượng mua bán tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Một lần, nguồn tin mật nói trên đưa cho Buryakov một danh sách ngân hàng Nga mà Mỹ có thể áp đặt trừng phạt. Trong năm qua, Mỹ và đồng minh châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng chống lại các ngân hàng Nga để trả đũa vụ Nga sáp nhập Crimea của Ukraine.

Ngân hàng mà Buryakov đóng giả làm đại diện không được nêu trong đơn kiện của FBI. Tuy nhiên, trên trang web của ngân hàng Vnesheconombank của Nga, Evgeny Buryakov có chức danh là phó đại diện văn phòng của ngân hàng ở đại lộ Madison, Manhattan. Đây là văn phòng đại diện của Vnesheconombank  tại Mỹ. Sau khi FBI thông báo phá đường dây điệp viên Nga ở New York, các đại diện Vnesheconombank ở Nga đều từ chối bình luận hay xác nhận chuyện ngân hàng họ có nhân viên bị bắt.

Theo ông John Carlin, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, việc Buryakov tìm cách thu thập thông tin tình báo và kinh tế của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia Mỹ. Nga và Mỹ từng hục hặc với nhau nhiều lần liên quan tới chuyện gián điệp trong mấy năm gần đầy. Năm 2013, Nga trục xuất một người Mỹ bị nghi làm gián điệp của Cục Tình báo trung ương (CIA) tìm cách tuyển mộ nhân viên tình báo ở Moscow. Năm 2010, Mỹ cũng bắt 10 nghi can gián điệp Nga, trong đó có Anna Chapman, người được phóng thích trong lần trao đổi tù nhân với Nga.


Thùy Dương

Nga cài điệp viên trong cảnh sát mật Estonia
Nga cài điệp viên trong cảnh sát mật Estonia

Cục tình báo Nga mới đây tiết lộ cơ quan này đã cài điệp viên trong lực lượng cảnh sát mật của Estonia suốt 15 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN